Trước khi đồng hồ chuyển sang phút 46 trận Việt Nam gặp Thái Lan tại SEA Games 2017, cuộc sống vẫn là những trang tươi sáng với Phí Minh Long. Trước phút 46, U22 Việt Nam vẫn cầm hòa Thái Lan và thậm chí có thể dẫn bàn nếu Hồ Tuấn Tài không sút bóng dội xà.
Trước thời khắc ấy, triều đại Nguyễn Hữu Thắng vẫn tồn tại, rất nhiều thứ vẫn khác xa bây giờ. Nhưng rồi khoảnh khắc ở phút 46 lịch sử kì SEA Games năm ấy không chỉ thay đổi sự nghiệp của Minh Long, nó còn kéo sập triều đại Hữu Thắng.
Lúc ấy là phút bù giờ đầu tiên của hiệp một, từ đường chuyền về đơn giản của đồng đội, Minh Long nhận bóng rất thoải mái. Phát hiện cầu thủ U22 Thái Lan đang chạy tới từ phía xa, anh hơi bối rối trước khi đưa ra quyết định có lẽ là tệ nhất trong sự nghiệp. Long cúi xuống, nhặt bóng lên từ đường chuyền của cầu thủ đội nhà.
Những chàng trai Thái Lan lập tức hét lên, trọng tài không ngần ngại dừng trận đấu. Lương Xuân Trường chạy về, mặt đầy chán nản, cố gắng phân bua. Không được, tất cả đã muộn rồi. Một quả phạt gián tiếp được trao cho U22 Thái Lan trong vòng cấm. Đương nhiên, họ không bỏ lỡ cơ hội vô giá ấy. Thế cân bằng giữa Thái Lan và Việt Nam bị phá nát bởi một quyết định không tưởng của Minh Long.
15 phút nghỉ giữa giờ là không đủ để Minh Long bình tĩnh lại. HLV Hữu Thắng không thay Minh Long khỏi sân ngay sau bàn thua đầu. Phút 52, tiếp tục từ một đường tấn công không quá nguy hiểm, Minh Long lao khỏi vòng cấm, va chạm rất mạnh với… Vũ Văn Thanh. Cả hai ngã gục xuống sân còn Bùi Tiến Dũng một mình đối mặt 2 tiền đạo Thái Lan. Tỷ số là 2-0.
Tất cả sụp đổ. U22 Việt Nam bị loại còn Phí Minh Long không bao giờ gượng dậy như xưa. Giờ đây khi SEA Games 29 đã qua đi rất lâu, và một kì đại hội mới chuẩn bị tới thì những ám ảnh về trận đấu năm xưa lại dày vò thủ thành sinh năm 1995.
Chia sẻ về kì SEA Games đáng quên, Minh Long vẫn không khỏi ám ảnh:
“Trong thời gian chuẩn bị cho SEA Games 2017, em bị bệnh phổi khá nghiêm trọng, bác sĩ đã từng khuyên nên bỏ bóng đá. Nhưng thời điểm đó đúng thời điểm SEA Games 29, kỳ SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp, nên em rất muốn tham gia giải đấu này nên đã quyết định tiêm kháng sinh liều cao để có thể thi đấu tốt nhất.
Khi sang đến Malaysia, em dính thêm chấn thương xương cổ tay. Em đã rất cố gắng băng bó để có thể thi đấu, để rồi bây giờ nó thành tật. Toàn đội đều rất quyết tâm giành được tấm huy chương vàng mà người hâm mộ Việt Nam mong mỏi bấy lâu nay.
2 sai lầm liên tiếp trong trận đấu với Thái Lan khiến đội phải nhận bàn thua liên quan trực tiếp đến em. Sau đó chúng ta thua 0-3 và bị loại, điều đó khiến em vô cùng suy sụp.
Sau khi về Việt Nam, em mới biết được mẹ em lại đứng ra xin lỗi NHM về sai lầm của em. Em là người làm sai, em sẽ chịu trách nhiệm chứ không phải là mẹ em, mẹ em không làm điều gì sai cả”.
Không chỉ phải nhận những chỉ trích nặng nề, Phí Minh Long khi ấy còn bị nghi ngờ là bán độ. Và đó là một sự tàn nhẫn đối với cầu thủ khi ấy chỉ mới 22 tuổi:
“Và điều khiến em buồn nhất là có một tờ báo nào đó nói viết rằng “Phí Minh Long bán độ?”. Rất nhiều người sẽ không hiểu được dấu hỏi chấm ấy nghĩa là gì? nhiều người đọc sẽ nghĩ là em bán độ. Đời cầu thủ mà, sẽ thật thất vọng khi mà mình cố gắng, hy sinh, nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo để rồi nhận lại 2 từ bán độ. Em sai, mọi người có thể chỉ trích em, nhưng đừng nói em bán độ.
Nếu có thể, em sẽ ước bố mẹ em, người thân của em không được biết có chuyện ấy xảy ra…”.
Câu chuyện của Minh Long gợi chúng ta tới một kí ức đáng buồn nhưng chúng ta không thể quên rằng mình đã thất bại thế nào, khó khăn ra sao trước khi có được những thành công như ngày hôm nay.
Và chỉ mong rằng tại SEA Games tới đây, nếu có lỡ như U22 Việt Nam không thành công, không giành được Huy chương vàng, người hâm mộ hãy xin đừng chỉ trích, xin đừng đổ lỗi cho những chàng trai non nớt ấy. Hãy nhớ rằng chúng ta đã tung hô, vui mừng thế nào khi họ thành công, vậy thì hãy cứ im lặng, ủng hộ và ở bên khi họ thất bại.
An Phiêu