U23 Việt Nam: Thầy Park đau đầu với “thứ vũ khí” làm nên kì tích Sea Games
U23 Việt Nam đã có khởi đầu chấp nhận được tại VCK U23 châu Á với trận hoà 0-0 trước U23 UAE. Chúng ta vẫn còn 2 cuộc so tài nữa để định đoạt tấm vé vào vòng tứ kết, tuy nhiên, thầy trò HLV Park Hang Seo cần phải cẩn trọng với chính “thứ vũ khí” từng giúp họ tạo nên kì tích tại Sea Games 30.
-
U23 Jordan sẽ chơi tấn công trước Việt Nam
-
Thua U23 Australia, HLV Nishino lý giải nguyên nhân U23 Thái Lai thất bại
-
Thầy Park nhắn nhủ Hoàng Đức trong ngày sinh nhật
-
Lịch thi đấu VCK U23 châu Á 2020 hôm nay ngày 12/1: Hàn Quốc đại chiến Iran, Nhật Bản đá trận sinh tử
-
Diễn biến VCK U23 Châu Á 2020 tối 11/1: U23 Thái Lan ngậm trái đắng trước U23 Australia
U23 Việt Nam đến với cùng nòng cốt là những cầu thủ vừa tạo ra lịch sử cho bóng đá nước nhà với chức vô địch Sea Games 30. Đó là giải đấu mà chúng ta đã lên ngôi xứng đáng, đã chơi cực kì thuyết phục và hạ gục mọi đối thủ bằng “thứ vũ khí” sở trường song vô cùng lợi hại mang tên bóng bổng.
Tại Sea Games 30, không biết bao nhiêu lần U22 Việt Nam ghi bàn từ các tình huống như vậy. Đó có thể là một quả treo bóng vào từ cánh để tiền đạo bên trong như Tiến Linh ghi bàn vào lưới Thái Lan hoặc cũng có khi là khởi điểm từ cú phạt góc như cách Thành Chung, Đức Chinh lập công hoặc đó là một quả đá phạt thực hiện bởi Hùng Dũng để rồi Văn Hậu bật cao đánh đầu ghi bàn như trong trận chung kết.
→
Rất đa dạng trong cách thực hiện và người lập công cũng không chỉ xoay quanh bộ đôi chơi cao nhất là Tiến Linh cùng Đức Chinh. Vì thế cho nên, dù các đối thủ đã có sự chuẩn bị thì chúng ta vẫn biết cách xoay chuyển tình thế bằng thứ vũ khí lợi hại nói trên. Không quá khi khẳng định, U22 Việt Nam lên ngôi tại giải đấu diễn ra trên đất Philippines bằng những “cái đầu” định đoạt trận đấu.
Đó là cách tốt trong một thế trận mà chúng ta bế tắc, là phương án giải quyết hữu hiệu khi mà chúng ta chưa tìm ra lối để dẫn vào khung thành đối phương từ các pha ban bật ngắn. Bóng bổng Việt Nam ở Sea Games 30 rất hay, nhưng có thể, đây lại là con dao 2 lưỡi khiến chúng ta gặp khó tại hành trình U23 châu Á 2020.
Còn nhớ, trong trận ra quân gặp U23 UAE, Việt Nam có số lần phạt góc gấp 3 lần đối thủ (6 so với 2), tuy nhiên, sự khác biệt đã không được tạo ra như những gì chúng ta thường làm tại Sea Games 30 vừa qua.
Không phải là U23 Việt Nam thiếu đi sự chuẩn bị tỉ mỉ trong các tình huống ấy nhưng chẳng khó để nhận ra chúng ta đang mất đi một chuyên gia tạt bóng như đặt mang tên Hùng Dũng và một Văn Hậu cao to đủ sức làm “chim mồi” trong các tình huống cố định để mở ra cơ hội cho những đồng đội như Thành Chung, Đức Chinh hay Tiến Linh toả sáng.
Nên nhớ ở giải đấu này, U23 Việt Nam chỉ là đội bóng có chiều cao xếp thứ 13/16, và U23 UAE xếp ngay dưới, ở vị trí thứ 14, song các học trò HLV Park Hang Seo cũng không thể thành công nổi đến một lần bằng “vũ khí” lợi hại ở SEA Games 30 của mình.
→
Đó chắc chắn là điều mà thầy Park nhận thấy rõ sau trận ra quân. Ngoài ra, thêm một “thứ vũ khí” nữa có thể sẽ khiến chiến lược gia Hàn Quốc đau đầu, đó là lối chơi phòng ngự – phản công sở trường mà chúng ta vẫn hay sử dụng dưới thời HLV Park Hang Seo.
Khả năng chuyển trạng thái nhanh, từ phòng ngự sang tấn công chính là nét đặc sắc trong lối chơi của các đội tuyển Việt Nam kể từ khi vị HLV 60 tuổi nắm quyền. Tuy nhiên, sau những gì diễn ra trước U23 UAE, đây đang là vấn đề không nhỏ dành cho thầy Park.
Ở đội tuyển Việt Nam cũng như tại Sea Games 30 vừa qua, chúng ta có đầy đủ những con người vận hành tốt cách chơi ấy. Đó là bộ đôi Hùng Dũng, Tuấn Anh ở khu trung tuyến – những tiền vệ đủ sức thoát pressing và mở ra cơ hội bằng một đường chọc khe hay pha phất bóng tinh tế lên phía trên.
Thậm chí, ngay cả đến các hậu vệ như Văn Hậu hay Quế Ngọc Hải hoặc Bùi Tiến Dũng cũng đủ sức làm điều đó để chúng ta tạo ra các pha bóng chuyển trạng thái khiến đối phương “không kịp trở tay”.
Bàn thắng mà Quang Hải ghi được trước Malaysia tại vòng loại World Cup 2022 khi vực châu Á là một tình huống như thế. Trong một pha bóng không quá rõ ràng, đường chuyền tinh tế của Ngọc Hải mở ra khoảng trống để Quang Hải băng xuống ghi bàn đẹp mắt trước sự ngỡ ngàng từ toàn độ hàng thủ đối phương.
Tuy vậy, trước U23 UAE, khi đã không còn những cái tên kể trên, U23 Việt Nam đã không thể tìm ra phương án hiệu quả nhất dẫn tới khung thành đối thủ và gây bất ngờ cho đại diện Tây Á.
Thay vì nhìn ra đường di chuyển của các đồng đội ở tuyến trên để tung ra những đường chuyền mang tính sát thương cao, cả Việt Anh, Tấn Sinh lẫn Thanh Thịnh đều chỉ mới làm được việc là chuyền bóng cho đồng đội, và trong trận đấu này, tỷ lệ chuyền bóng hỏng của họ là cực lớn.
Trong khi tỷ lệ chuyền bóng thành công của U23 UAE là 84,6%, thì con số ấy của U23 Việt Nam chỉ là 71,5%. Đáng chú ý, số lượng đường chuyền của U23 UAE là gần gấp đôi so với các học trò của HLV Park Hang Seo (514 so với 281). Trong đó, tỷ lệ chuyền bóng trên phần sân đối phương của U23 Việt Nam chỉ đạt vỏn vẹn 56,2%, trong khi con số đó của đối thủ là 73,2%.
Thống kê cho thấy, Bùi Hoàng Việt Anh cả trận tung ra cả thảy 13 đường chuyền, và có đến 7 đường chuyền trong số đó không đến được chân các đồng đội. Còn với Huỳnh Tấn Sinh, đa số các đường chuyền thành công của cầu thủ này đều là chuyền về hoặc chuyền ngắn, hầu hết các đường chuyền dài hướng lên phía trên đều sai địa chỉ.
Rõ ràng, 2 miếng đánh sở trường dưới thời HLV Park Hang Seo, 2 “thứ vũ khí” lợi hại giúp chúng ta tạo ra kì tích Sea Games lại đang khiến vị chiến lược gia Hàn Quốc đau đầu và có thể làm U23 Việt Nam lâm nguy. Hơn ai hết, chúng ta cần thay đổi khi mà các đối thủ đã có sự nghiên cứu kĩ đồng thời tạo ra bất ngờ và sự biến ảo mới trong lối chơi. Có như vậy, U23 Việt Nam mới có thể tiến sâu tại giải đấu.
Dương Anh