Chấn thương và nỗi ám ảnh của cầu thủ

Thứ Ba, ngày 27/11/2018 - 16:00
5 /5 của 1 đánh giá

Chấn thương của Văn Toàn trong thời điểm đang diễn ra giải đấu AFF cup thật là đáng tiếc. Nhưng tuyên bố mạnh mẽ ngay sau đó của bầu Đức, chủ tịch CLB chủ quản của Văn Toàn để xin đưa cầu thủ này đi Hàn Quốc điều trị ngay lập tức làm lộ ra một điểm yếu cố hữu nghiêm trọng của thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng: sự yếu kém của nền y học thể thao.

>> Tham khảo thêm:

Dĩ nhiên trong tập luyện và thi đấu, chấn thương là điều không thể tránh khỏi. Và kể cả ở những nước tiên tiến, việc môt cầu thủ vì chấn thương nặng mà ảnh hưởng đến sự nghiệp cũng không phải là ít. Nhưng thực sự, với bóng đá Việt Nam nói riêng và cả nền thể thao chúng ta nói chung, thì đóng góp của đội ngũ y tế bác sĩ làm công tác y học thể thao thực sự quá khiêm tốn. Nếu không muốn nói là quá kém cỏi.

Một con số chính thức được công bố cho thấy, tổng số các cán bộ, y bác sĩ làm việc tại tất cả các cơ sở thể thao trong cả nước hiện là 90 người. Xin nhắc lại 90 người. Và với nền thể thao rộng khắp cả nước với hàng chục nghìn vận động viên chuyên nghiệp thì… con số đó dĩ nhiên là không tương xứng. Không thể đem tiêu chuẩn thế giới để so với chúng ta.

chan thuong
Chấn thương bao giờ cũng là nỗi ám ảnh với các cầu thủ

Nhưng ít nhất với mỗi đội thể thao chuyên nghiệp cũng phải có được ít nhất một bác sĩ có chuyên môn phù hợp. Ấy là chưa kể 90 người làm công tác y tế thể thao kia cũng chỉ có số ít được đào tạo chuyên sâu về y học thể thao chứ phần lớn là cũng cứ đẩy qua mà làm rồi thành quen.

Con số không tương xứng đó được thể hiện ở ngay những cơ sở hàng đầu về thể thao của nước nhà. Tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, nơi tập luyện huấn luyện và thi đấu lớn nhất cả nước với cả ngàn tuyển thủ tập huấn quanh năm thì phòng Y học chỉ có 20 người.

Và người viết bài này tròn một lần vào Bệnh viện Y học thể thao thì thực sự không thấy khác gì một bệnh viện tuyến huyện ở tỉnh miền núi nào đó với cơ sở vật chất tuyềnh toàng, trang thiết bị thì chả có gì đáng kể. Thậm chí với những người trong ngành, việc chữa trị chấn thương ở đây còn không bằng các cơ sở Y tế dân sự như Bệnh viện 108 hay Bạch Mai.

chan thuong
Đặc biệt là khi các giải đấu lớn cận kề

Nhìn sang bóng đá, môn thể thao luôn được đầu tư và quan tâm nhất của thể thao nước nhà thì mới thấy thật may mắn khi trong thành phần đội tuyển mỗi khi tập trung luôn có 1-2 bác sĩ đi theo kèm chăm sóc cầu thủ. Nhưng ở cấp CLB thì rất hiếm có bác sĩ chuyên nghiệp. Phần lớn vẫn chỉ là đội ngũ chăm sóc y tế không có chuyên môn đủ cao.

Như trường hợp mới đây nhất của Văn Thanh, người đã vắng mặt đáng tiếc tại AFF Cup lần này vì lỗi của đội ngũ y tế tại CLB. Theo đó, bác sĩ Đồng Xuân Lâm cho biết chấn thương của Văn Thanh do lúc đầu chụp cắt lớp ở Hàm Rồng không được tốt. Sau đó khi đưa Văn Thanh xuống Đại học Y Dược TP.HCM chụp lại thì mới phát hiện anh bị đứt dây chằng. Một sai sót đáng tiếc mà nếu phát hiện sớm hoàn toàn có thể tránh cho Thanh gặp phải chấn thương nghiêm trọng này.

Chẳng nói đâu xa, cũng ở Hoàng Anh Gia Lai, tiền vệ Tuấn Anh dính chấn thương dai dẳng cũng một phần do không được điều trị dứt điểm. Trước thềm AFF Cup 2016, các bác sĩ ở Nhật Bản khẳng định, Tuấn Anh đủ sức tham dự giải đấu này dù đang điều trị chấn thương. Mặc dù vậy, sau khi trở lại Việt Nam, chấn thương của cầu thủ này lại trở nặng, dai dẳng khiến ảnh phải bỏ lỡ hàng loạt giải đấu lớn.

chan thuong
Thậm chí là trong cả khi giải đấu đang diễn ra

Đấy là ở Hoàng Anh Gia Lai, một trong những CLB có điều kiện tốt nhất của chúng ta còn thế chứ nói gì đến các CLB khác. Thế nên việc các cầu thủ cứ chấn thương là phải ra nước ngoài điều trị không có gì là bất ngờ. Lục Xuân Hưng, cầu thủ trẻ của FLC đã may mắn được CLB hỗ trợ cho 600 triệu đồng để sang Sing mổ năm ngoái là một trường hợp may mắn.

Nhiều cầu thủ vì chấn thương đã phải cắn răng tự bỏ tiền hoặc nín đau mà đá chắc cũng không phải là hiếm. Bởi thực sự chất lượng y tế trong nước không đáp ứng đủ. Bởi ngoài việc điều trị lập tức bằng cách mổ thì quá trình trị liệu sau đó cũng rất quan trọng cho việc phục hồi trạng thái của cầu thủ.

Một thực tế là những cầu thủ được tạo điều kiện sang nước ngoài phẫu thuật chấn thương đều có thể bình phục sớm, lấy lại phong độ vốn có của mình như Công Vinh, Tiến Thành, Anh Đức hay Trọng Hoàng. Nhúng Minh Châu, một tiền vệ xuất sắc của bóng đá Việt Nam một thời khi môt trong nước thì mất thời gian dài mới hồi phục được và sau đó thì mất phong độ thê thảm. Chính vì thế, cầu thủ Việt cứ chấn thương nặng là sẽ tìm đường ra nước ngoài ngay vì vậy.

chan thuong
Không phải ai cũng may mắn được đưa đi điều trị dứt điểm và kịp thời

Thực ra sự yếu kém của đội ngũ y tế của thể thao chúng ta không có gì là mới mẻ. Các HLV đội tuyển các đời đều ca thán về vấn đề này. Ông Miura, một người khá khó tính đã từng than trời vì các cầu thủ chấn thương quá nhiều. Ngay HLV Hữu Thắng cũng ngán ngẩm cho rằng sự đóng góp của đội ngũ y tế là quá kém.

Ông Park Hang Seo thì may mắn được quyết định nhân sự ban huấn luyện nên lập tức tăng cường ngay một bác sĩ người Hàn. Còn trước đây, chúng ta không lạ gì chuyện cứ mỗi năm lại ngóng đợi ngày bác sĩ Moss người Đức rảnh rỗi thì sẽ sang Việt Nam điều trị cho vài tuyển thủ của chúng ta dưới dạng tình cảm là chính.

chan thuong
Nhiều cầu thủ như Văn Toàn giờ đang nuối tiếc và day dứt vô cùng

Bây giờ, Văn Toàn hay Văn Thanh không cần phải đợi ông Moss nữa vì họ có thể sang Sing hoặc sang Nhật sang Hàn bất cứ lúc nào. Nhưng nếu như chính các bác sĩ ở CLB không có khả năng phát hiện và phòng tránh chấn thương cho các anh từ sớm thì mọi sự điều trị sau đó cũng chỉ là chữa cháy. Một nền y học thể thao mạnh sẽ cứu được rất nhiều tài năng theo cách đó.

Dĩ nhiên ai cũng biết, đầu tư cho y học thể thao không hề dễ. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua thì một nền y tế yếu kém và manh mún như vậy thực sự là một sự kéo lùi lại nỗ lực chung của tất cả. Không ai muốn thấy một tài năng nhưTuấn Anh sẽ lặp lại vết xe đổ của Minh Chiến thủa nào. Và dĩ nhiên, sẽ chẳng bà mẹ nào yên tâm để con mình đi chơi bóng đá nếu không thấy ở đó có một sự đảm bảo đủ an toàn chăm sóc cho đứa con của mình cả.

>> Xem thêm cập nhật

Long Win

Bình luận bài viết

Ngày Cá tháng tư: Hãy cứ cả tin vì bóng đá cần điều ấy

01-04-2022

Người ta vẫn thường bông đùa nhau rằng ngày đầu tiên của tháng Tư là ngày cười nhiều nhất trong năm, một ngày mà những tiếng cười nhạo những kẻ cả tin và có khi là cả cả tin đến khờ khạo. Bóng đã cũng không phải là ngoại lệ.