Đẳng cấp của chúng ta đã đến đâu?
Khi yêu quá nhiều, người ta đánh mất đi lý trí của mình. Những bước tiến vượt bậc của bóng đá Việt Nam trong hơn một năm qua cùng cảm xúc thăng hoa mà người hâm mộ được hưởng đôi khi làm chúng ta ngộ nhân về thực lực của chính mình.
Tham khảo thêm:
Sau trận bán kết giữa hai đại cường bóng đá Châu lục mà ở đó Nhật Bản thắng đậm Iran với tỉ số 3-0, nhiều CĐV Việt Nam đã nói trình độ đội bóng Tây Á còn kém hơn cả chúng ta, bởi chúng ta chỉ thua người Nhật một bàn duy nhất đến từ chấm phạt đền. Một thứ tư duy bắc cầu rất logic.
Tất nhiên, đó chỉ là những lời bông đùa vui vẻ. Bởi chính Iran đã hạ gục chúng ta hai bàn không gỡ ở vòng bảng. Và việc so sánh một nền bóng đá mới vừa lọt vào top 100 thế giới với nền bóng đá số một Châu lục trong nhiều năm quả thực là khập khiễng. Tuy nhiên, chính từ phép toán bắc cầu đó, chính ta cũng cần có một nhìn nhân cho đúng về thực lực của chính mình. Rút cuộc, đẳng cấp của chúng ta đến đâu ?
Trong hơn một năm qua, không chỉ các đấu thủ trong khu vực mà chúng ta đã thắng hầu hết các đội Tây Á như Bahrain, Syria, Jordan thậm chí cả Qatar, đội bóng vừa vào tới trận chung kết của giải đấu. Nhưng nếu gặp lại một trong những đối thủ này, không thể nói chắc rằng chúng ta sẽ lại thắng được họ.
Bởi, những chiến tích đó chỉ đến từ vài giải đấu cụ thể trong thời gian ngắn. Chúng ta có thể vào bán kết Asiad 2018 và tứ kết Asian Cup 2019, thành tích đó hơn hẳn nhiều quốc gia như Uzbekistan, Trung Quốc hoặc Saudi Arabia. Nhưng nếu đá trực diện với một trong các đội này, thì gần như chắc chắn chúng ta vẫn ở thế cửa dưới. Điều này là do nếu xét đến sự lớn mạnh của cả một nền bóng đá chúng ta chưa thể so sánh với những nền bóng đá này.
Điều căn bản nhất là ở khía cạnh con người. Arab Saudi hay Iraq có thành tích kém Việt Nam trong một năm qua, nhưng họ có những ngôi sao chơi bóng ở các giải đấu hàng đầu, thậm chí là châu Âu. Trong khi đó chúng ta chưa có cầu thủ nào khẳng định được chỗ đứng ở những giải đấu bên ngoài. Văn Lâm có thể là niềm hy vọng đầu tiên, những Quang Hải, Văn Hậu cũng rất có tiềm năng. Nhưng hãy nhớ, bản thân Xuân Trường, Công Phượng cũng từng thất bại thê thảm. Vì thế, nếu xét về đẳng cấp cầu thủ, rõ ràng chúng ta còn thua kém.
Thứ nữa là đến mặt bằng chung của nền bóng đá. Một nền bóng đá được cấu thành từ những tế bào nhỏ hơn là CLB. Nếu từng “tế bào” này khoẻ mạnh, đương nhiên nền bóng đá ấy phát triển. Bước phát triển thần kỳ của Nhật Bản trong gần 30 năm qua là minh chứng. Từ chỗ có một giải nghiệp dư, xứ mặt trời mọc đã tổ chức được một giải chuyên nghiệp có trình độ bậc nhất ở Châu lục.
Các CLB của họ thống trị châu Á, kéo theo trình độ các tuyển thủ quốc gia ngày càng đi lên. Hiện nay, việc một cầu thủ ở J. league đổi ngang sang thi đấu tại một giải vô địch Châu Âu là điều hết sức bình thường, bởi sự tương đồng về trình độ và khả năng thích ứng theo những tiêu chuẩn cao nhất của bóng đá thế giới.
Năm 1998, khi Nhật Bản lần đầu tiên tham dự World Cup, họ không có cầu thủ nào thi đấu ở Châu Âu, thậm chí khi đó họ còn phải gửi cầu thủ trẻ đi du học ở Châu Âu vậy mà bây giờ những cầu thủ của họ có mặt ở khắp nơi, có thể chưa phải là những ngôi sao hàng đầu ở những CLB lớn nhất nhưng sức cạnh tranh của cầu thủ Nhật đã trở nên cân bằng hơn nhiều với đồng nghiệp Châu Âu chứ không phải chỉ có mặt ở đó để bán áo đấu nữa.
Yếu tố đào tạo con người và tổ chức những mô hình quản lý chất lượng như vậy mới là gốc rễ để phát triển nền bóng đá. Bởi một đội tuyển chỉ thi đấu khoảng chục trận một năm là nhiều. Với những quốc gia ở vùng trũng bóng đá như Việt Nam, con số ấy càng ít hơn.
Vì thế để luận bàn về một nền bóng đá, người ta cần dùng những yếu tố có tính liên tục như cầu thủ hay CLB. Một đội tuyển, dẫu chơi chưa tốt, nhưng được xây đắp bằng những nhân tố chất lượng, vẫn có thể quay trở lại sau nhưng thất bại, ngược lại, một đội tuyển thành công nhất thời sau đó hoàn toàn có thể rớt lại sau khi đã lộ bài vì không có những nền tảng vững chắc để đi tiếp.
Xét trên hai yếu tố cơ bản này, chúng ta sẽ thấy còn nhiều sự thua kém. Cầu thủ Việt Nam hiện mới bắt đầu xuất hiện được lứa đầu tiên có vẻ như sẽ bước ra được những sân chơi lớn hơn trong khi đó V league vẫn là giải đấu hết sức lộn xộn. So với Thai League đã là khập khiễng chứ đừng nói J League hay một giải vô địch Châu Âu. Thế nên, chiến thắng ngay lúc này cũng chỉ là nhất thời. Đẳng cấp vẫn là thứ mà chúng ta phải phấn đấu. Bởi, đẳng cấp là mãi mãi.
Để hình thành cái gọi là đẳng cấp thì cần một quá trình dài mới có thể khẳng định. Không thể lấy một phép toán nhất thời để giải thích mọi chuyện được. Nếu thành tích của Quang Hải và các đồng đội tiếp tục được duy trì ổn định trong vài năm nữa đó mới là thời điểm hợp lý để chúng ta tự tin về đẳng cấp của mình, còn bây giờ tất cả mới chỉ là một cú hích.
Long Win
Bình luận bài viết