Mourinho – Kẻ phản bóng đá hay là bậc thầy chiến thuật?

Thứ Hai, ngày 06/08/2018 - 22:00
5 /5 của 1 đánh giá

Nhìn cái cách mà M.U của Mourinho chơi bóng trước Bayern trong trận giao hữu vừa qua khiến cho không ít người cảm thấy bực mình. Nhưng Mourinho, một trong những HLV thành công nhất lịch sử bóng đá có thực sự là kẻ tiêu cực đến thế.

Mourinho là kẻ phản bóng đá. này gần như được mặc định cho huấn luyện viên người Bồ trong hơn chục năm qua. Nó có lẽ bắt nguồn từ khi ông đưa FC Porto lên đỉnh vinh quang. Xây dựng một Chelsea lì lợm với kỷ lục vô tiền khoáng hậu thắng 7 trận liên tiếp đầu mùa với tỉ số 1-0. Rồi một Inter lầm lì sắc lẹm. Phòng ngự chặt, phản công nhanh. Tập trung vào phá lối chơi của đối phương hơn là chơi bóng. Kèm theo những phát ngôn gây sốc. Thật tội nghiệp Mou, kẻ đứng đầu của một triết lý.

Hè năm 2005, trong cuộc gặp gỡ của những huấn luyện viên xuất sắc nhất đầu thế kỷ được tổ chức ở Zurich, Jose Mourinho, người đang được coi là ngôi sao mới ấn tượng nhất trên băng ghế huấn luyện đã có một bài phát biểu với chủ đề: tương lai của bóng đá nằm ở thời khắc phản công. Hãy nhớ, “thời khắc phản công” chứ không phải “chiến thuật phản công” như người ta vẫn dùng để định danh phong cách của Mourinho vào thời điểm đó. Vấn đề này ngay lập tức nhận được sự tán đồng lớn của những cây đa cây đề trong giới huấn luyện viên. Từ Sir Alex Ferguson cho đến Fabio Capello, từ Carlo Ancelotti cho tới Arsene Wenger. Đó là lúc Pep Guardiola cùng lối đá tiki-taka vẫn còn đang ở trên sân tập.

Vậy “thời khắc phản công” nên được hiểu thế nào? Bạn có biết khi nào thì chúng ta sơ hở nhất ? Trả lời: đó là khi chúng ta đang mải mê tấn công.

Mourinho
Không thể coi Mourinho là phản bóng đá chỉ vì ông không giống những người khác

Trong võ thuật, ta vung chân với độ văng lớn, ta đấm tay vươn hết tầm. Đó thực chất là thời điểm ta không có phòng bị gì hoặc khó nhất để quay lại tư thế phòng bị. Bóng đá cũng vậy. Đúng vào lúc bạn đang lao lên phía trước với một tâm thế hừng hực ghi bàn, các tiền đạo chạy rất nhanh, tiền vệ đang hào hứng tìm người chuyền bóng còn các hậu vệ cũng nhìn thấy khoảng trống mênh mông để lao lên phía trước. Đùng một cái, bạn mất bóng. Tiền vệ phòng ngự của đối phương cướp được bóng. Chỉ mất 1 giây, anh ta đã chuyền một đường vượt tuyến xuống góc phải của khung thành bạn. Kỳ lạ là ở đó sẵn đã có một gã tiền vệ cánh cực giàu tốc độ lại còn khéo (hãy coi như là Robben đi cho tiện). Điều gì sẽ xảy ra khi hậu vệ biên đang dâng hơi cao còn các trung vệ thì chưa kịp định thần?

Không phải 100% sẽ có bàn thắng. Nhưng tình huống kinh điển đó luôn nằm trong các bài tập của các HLV trong thế kỷ này. Khác ở chỗ, người đoạt bóng và phát động có thể là bất cứ ai: tiền vệ, hậu vệ, thủ môn và thậm chí là tiền đạo. Ai cũng được, ở đâu cũng được, miễn là cả đội cùng hưởng ứng với anh ta đúng lúc. Đó là thời khắc phản công.

Dựa trên nguyên lý đơn giản, bạn sẽ có ít sự phòng bị nhất khi đang chuẩn bị tấn công kẻ khác. Các HLV hiện đại khai thác tối đa “thời khắc” này để phá vỡ lối đá phòng ngự của đối phương. Đây đã là thế kỉ 21, lối đá phòng ngự khu vực đã có 40 năm thành hình và phát triển. Bây giờ một cậu nhóc 11 tuổi cũng được huấn luyện để biết nên đứng cách đồng đội gần nhất của mình mấy mét để có thể đảm bảo cự ly đội hình trong phòng ngự trước những mũi khoan của đối phương. Các cầu thủ thông minh hơn, tính toán hơn và chuyên nghiệp hơn. Ngay cả Maradona có trở lại cũng không thể nào cứ đi bóng qua 3-4 người trong suốt cả trận được nữa. Những số 10 kinh điển chết như thế đó.

Dĩ nhiên với những cầu thủ khỏe hơn, nhanh hơn và thông minh hơn nữa, người ta không cần phải cứ lùi về phòng ngự mới có thể phản công. Ngay cả gegenpressing của Jurgen Klopp vẫn được là một ví dụ điển hình cho thứ bóng đá tấn công tận hiến trong những năm qua nhưng cũng được tạo nên để khai thác tối đa cái “thời khắc phản công” này. Họ vây ráp giành bóng và phản công (hay tấn công?) sắc sảo ngay trên phần sân đối phương. Mệt hơn nhiều so với lối đá truyền thống nhưng cũng đáng sợ hơn nhiều. Ngay cả Mou khi có đủ con bài trong tay cũng sẵn sàng pressing đối thủ. Real mùa 2012 hay M.U đang hình thành là những ví dụ sống động.

Mourinho
Phải tài năng thì ông mới gặt hái nhiều thành công đến vậy

Những môn đồ của Mou hiện nay khá rõ có thể kể đến là Diego Simeone hay Allegri… Những biến thể khác nữa ở các mô hình cụ thể khác nhau dựa trên con người và chất lượng đội hình của từng đội bóng. Nhưng,về cơ bản, muốn khai thác tốt “thời khắc” này, bạn cần một HLV khôn ngoan, có khả năng tổ chức để thiết lập một cơ chế phản công tức thời với những cầu thủ cũng cần biết tuân thủ chiến thuật tuyệt đối.

Chuyển từ phòng ngự sang tấn công trong một “thời khắc” không dễ như Messi đi bóng qua Boateng đâu, nhất là khi đối phương cũng biết rõ bạn định làm gì. Vì vậy, những đội bóng hiện đại thay vì phòng ngự thụ động, họ chuyển sang thứ phòng ngự chủ động để luôn sẵn sàng phản công khi đoạt lại được bóng. Cũng chính vì việc đòi hỏi cao ở ý thức chiến thuật và kĩ năng chơi bóng vậy nên những đội hình của Mou luôn được tạo nên từ những nền tảng chắc chắn. Không dễ để lắp ghép một đội bóng như vậy, nhưng khi đã ghép được đội hình thì đó thực sự là một đội bóng đáng gờm.

Vậy đừng nghĩ Mou là kẻ phản nữa, ông ta chỉ làm việc mà ông ta giỏi nhất thôi. Đó là, tạo nên lối chơi chuyển đổi nhanh.

Long Win

Bình luận bài viết

Ngày Cá tháng tư: Hãy cứ cả tin vì bóng đá cần điều ấy

01-04-2022

Người ta vẫn thường bông đùa nhau rằng ngày đầu tiên của tháng Tư là ngày cười nhiều nhất trong năm, một ngày mà những tiếng cười nhạo những kẻ cả tin và có khi là cả cả tin đến khờ khạo. Bóng đã cũng không phải là ngoại lệ.