Thay đổi người – phát kiến vĩ đại bậc nhất của thế giới bóng đá

Thứ Năm, ngày 21/05/2020 - 15:00
5 /5 của 1 đánh giá

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mới đây, liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã quyết định cho phép các đội bóng được quyền thay tới 5 cầu thủ trong một trận đấu. Đây rõ ràng là một điều chưa từng có, nhất là sau khi chúng ta nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của quyền lợi này.

Thay đổi người là quyền lợi với mọi đội bóng, tuy nhiên, trong quá khứ đây đã từng được coi là nỗi ám ảnh với không ít các HLV cũng như cầu thủ. Truyền thuyết kể lại rằng, tính tới trước ngày 13/9/1969, mỗi CLB chỉ được phép thay duy nhất một người. Đáng nói hơn, quyền lợi ấy diễn ra khi thủ môn của đội bóng đó không thể tiếp tục thi đấu.

Còn lại, với 10 cầu thủ khác trên sân, họ buộc phải chơi trọn vẹn 90 phút mà không có bất cứ sự thay đổi nào. Nói về những ngày tháng ấy, cựu cầu thủ và HLV Barcelona là Carles Rexach khẳng định: “Thật kinh khủng. Quyết định đó làm cho những cầu thủ dính chấn thương phải nghỉ thi đấu lâu hơn, thậm chí còn đối diện nguy cơ giải nghệ”.

Đồng quan điểm ấy, cựu đội trưởng những năm 60-70 của thế kỷ trước là Pirri nhấn mạnh: “Nếu bạn ra ngoài khi gặp chấn thương, điều đó đồng nghĩa đội của bạn sẽ mất đi một người. Và tất nhiên, là chẳng ai muốn như thế cả. Tuy nhiên, khi làm vậy, chấn thương sẽ lại càng trở nên tồi tệ hơn. Đáng ra bạn chỉ phải nghỉ thi đấu 2 tuần nhưng vì như thế, bạn nghỉ 2 tháng”.

Thế giới bóng đá từng khốn khổ vì không được phép thay đổi cầu thủ trong trận

Nói về điều này, có lẽ không ai hiểu hơn “vua bóng đá” Pele. Năm 1966, khi cùng Brazil dự World Cup tại nước Anh, huyền thoại xứ Samba đã liên tục bị đối phương “triệt hạ” không thương tiếc, bởi ai cũng biết thời điểm đó ông là niềm hy vọng số 1 của bóng đá Brazil.

Đáng tiếc, năm 1966 là khi mà các thẻ phạt chưa được áp dụng và quyền thay đổi người dành cho cầu thủ (Không tính thủ môn) cũng không được phép diễn ra nên Pele đành nén đau thi đấu. Sau khi được cho nghỉ ở trận thứ 2 gặp Hungary, ông được HLV tung vào sân khi Brazil gặp BĐN của Eusebio.

Phút thứ 9 cuộc so tài ấy, Pele bị hậu vệ Vicente phạm lỗi thô bạo. Tất nhiên, anh này chẳng phải nhận án phạt gì từ trọng tài vì vị vua áo đen cũng chưa biết khái niệm thẻ đỏ, thẻ vàng là gì. Đến phút 29, Pele lại bị phạm lỗi. Lần này, tình huống ấy khiến ông bị đau đầu gối phải. Tiền đạo xứ Samba buộc phải ra sân nhưng vì không thể thay người, 7 phút sau đó, ông trở lại sân cỏ với đầu gối cuộn kín băng.

Nhưng điều luật này dần được thay đổi và phát triển theo thời gian

Suốt quãng thời gian còn lại, huyền thoại xứ Samba chỉ sử dụng chân trái, chân không thuận và dành cả “thanh xuân” tại Goodison Park – nơi diễn ra trận đấu năm đó để đi bộ. Nhớ lại lúc ấy, Pele nói: “Tôi đã bị triệt hạ không thương tiếc, đặc biệt là Morais. Anh ta liên tục va chạm và ngăn cản tôi. Xoạc bóng, ngáng chân, đủ cả. Thực tế, anh ta loại tôi ra khỏi cuộc chơi ấy với những pha phạm lỗi thô bạo”.

Sau nhiều năm cầu thủ liên tục phải cắn rang chịu đau, cuối cùng, một quyết định lịch sử đã tới. Ngày 13/9/1969, trong trận đấu giữa Pontevedra và Granada, Jose Lara trở thành người đầu tiên được vào sân để thay thế cho người đồng đội không chơi ở vị trí thủ môn. Năm ấy, người nhường chỗ cho Lara là Machida.

Kể từ thời điểm đó, luật thay đổi người liên tục được nâng cấp. Ở World Cup 1970, mỗi đội bóng được phép thay 2 cầu thủ và tới năm 1994, con số này tăng lên thành 3 (Tuy nhiên, chỉ được áp dụng nếu thủ môn dính chấn thương).

Đến năm 1995, luật thay đổi người chính thức ổn định ở con số 3, bất chấp các thủ môn không dính chấn thương. Quy định ấy được giữ tới cho tới năm 2018 khi FIFA đồng ý cho phép các đội bóng sử dụng quyền thay đổi người thứ 4 nếu các trận đấu bước vào hiệp phụ.

Mới nhất là quyết định lịch sử, cho phép thay 5 người trong một trận đấu

Và gần nhất, sau khi hàng loạt giải đấu đóng băng vì ảnh hưởng Covid-19, tổ chức cao nhất bóng đá thế giới quyết định cho phép mọi đội bóng có 5 sự thay đổi người, thậm chí sẽ tăng lên 6 nếu các trận đấu bước vào hiệp phụ.

Dù vậy, 5 sự thay đổi người ấy chỉ được sử dụng 3 lần trong trận đồng thời áp dụng với các giải đấu đang diễn ra hoặc sẽ diễn ra nhưng hoàn thành trước ngày 1/1/2021.

Rõ ràng, việc phát triển luật thay đổi người là một phát kiến vĩ đại của bóng đá, điều sẽ giúp cho các đội bóng, hay bản thân các cầu thủ dễ dàng hơn đồng thời tránh được khả năng chấn thương nặng khi cố gắng thi đấu vì màu cờ sắc áo.

Tuấn Điền

Bình luận bài viết