Chelsea cần học Arsenal đúng 2 từ để thành công
Những tưởng Chelsea sau những khởi đầu ổn áp với tân thuyền trưởng Graham Potter sẽ có một bệ phóng đủ chắc cho công cuộc “đập đi xây lại” toàn diện dưới thời ông chủ Todd Boehly. Thế nhưng tuần trăng mật ấy sớm kết thúc và The Blues trở lại với thực tại của một đội bóng ắp đầy những sự bất ổn cả về mặt nhân sự lẫn lối chơi.
Tất nhiên đó chỉ là những hiện trạng tạm thời xuất hiện ở đội chủ sân Stamford Bridge và mọi thứ đang được quy hoạch từng bước 1 cho lần trở lại có thể là không xa. Và để làm được điều đó, Todd Boehly đã lăn lộn ngang dọc châu Âu để tìm một Giám đốc thể thao mới và lần dò cách làm bóng đá theo phiên bản của Salzburg lẫn RB Leipzig như một phương án tham khảo chất lượng.
Có lẽ ông bầu người Mỹ cũng chẳng cần phải dò dẫm đâu quá xa khi mà người hàng xóm ồn ào Arsenal cũng đang là một ví dụ hoàn hảo cho một kiểu phát triển mà Chelsea có thể ứng dụng. Vậy rốt cuộc ở Emirates có gì để khiến Chelsea nên và cần “cắp sách” theo học?
Arsenal vừa thắng Chelsea tại derby London
Giá trị của sự KIÊN NHẪN
Không cần phải nói đâu xa, Thomas Tuchel, người tiền nhiệm của Graham Potter là minh chứng rõ ràng nhất cho thứ giá trị xem là xa xỉ ở Stamford Bridge. Nhà cầm quân này đã vực dậy Chelsea từ một đống đổ nát dưới thời Frank Lampard để thẳng tiến tới ngôi vương 2020/21. Thế nhưng chừng ấy là chưa đủ khi mà Tuchel vẫn phải nhận trát sa thải ở đầu mùa bóng năm nay. Vị HLV người Đức thậm chí còn chưa hết buồn khi mình bị trảm.
Thế rồi trước đó, những Maurizio Sarri, người giúp Chelsea lên ngôi tại Europa League hay Antonio Conte, Jose Mourinho đưa The Blues vô địch Ngoại hạng Anh. Hay cả Roberto Di Mateo, người mang về danh hiệu vô địch Champions League lần đầu tiên trong lịch sử CLB cũng đều chung hoàn cảnh tương tự.
Xem thêm:
Họ đều là những HLV có tài nhưng rồi phải lần lượt lên “máy chém” HLV khắc nghiệt nhất thế giới. Rõ ràng, kiên nhẫn chưa bao giờ là khái niệm tồn tại ở Chelsea thời điểm đó. Bởi thế người ta mới nói với nhau rằng làm HLV ở MU là công việc nguy hiểm nhất trên thế giới, còn làm HLV ở Chelsea thì bảo hiểm thất nghiệp luôn là thứ được ký trước ở hợp đồng chính thức.
Potter được bổ nhiệm làm HLV của Chelsea với bản hợp đồng 5 năm
Thế nhưng mọi thứ lúc này đã khác, Graham Potter đã được Todd Boehly mời về với yêu cầu duy nhất: Đưa Chelsea trở lại và phát triển hệ thống một cách liền mạch, xuyên suốt. Thời gian và sự đảm bảo của giới chủ là điều mà những người tiền nhiệm của ông chưa bao giờ có được.
Ở Arsenal, đội bóng này cũng đã đặt trọn niềm tin và sự kiên nhẫn vào Mikel Arteta. Hai mùa bóng đầu tiên dưới thời HLV này, Arsenal khép lại mùa giải ở vị trí thứ 8. Thậm chí ở mùa 2020/21, Arsenal còn thua nát bét ở 3 vòng đầu và rơi xuống đáy bảng xếp hạng. Báo chí Anh khi ấy đã lên sẵn tin tức về việc Arsenal sa thải Arteta và chỉ còn chờ thông báo chính thức. Thế nhưng giới chủ của đội bóng này vẫn kiên nhẫn với Arteta.
Và rồi sự kiên nhẫn ấy đang được đáp đền, ít nhất là tính tới thời điểm hiện tại. Arsenal của Arteta bay cao trên bảng xếp hạng và là ứng viên số 1 trong việc so ganh với Man City ở cuộc đua vô địch.
Việc giành tới 31 điểm/12 vòng cũng là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Pháo thủ và là 1 trong 10 đội chạm cột mốc điểm số này trong lịch sử Premier League. Nếu như Arsenal có vô địch mùa này thì đó cũng là thành quả xứng đáng sau hơn 1000 ngày BLĐ và các CĐV ủng hộ HLV trưởng của họ một cách vô điều kiện.
Nhìn những gì mà Arteta đã và đang làm được cùng Arsenal, từ việc trảm đi các công thần cho tới mua sắm những cầu thủ tưởng như “thiếu khôn ngoan” như Grabriel hay Ramsdale,… xứng đáng nhận về thành quả đó.
Chelsea cần cho Potter sự kiên nhẫn như Arsenal đã làm với Arteta
Chelsea sẽ cần nhìn vào đó để học hỏi và áp dụng khi mà Potter hiện tại cũng đang sở hữu một đội hình được xem là què quặt, thừa lượng thiếu chất của 4 đời HLV trước đó để lại.
Chỉ khi BLĐ Chelsea thực sự đặt trọn vẹn niềm tin vào cựu thuyền trưởng Brighton như cái cách mà Arsenal đang làm thì lúc ấy nhà cầm quân này mới có thể xây dựng được một nhóm cầu thủ đủ tốt phục vụ cho triết lý mà Potter theo đuổi. Khi ấy mọi thứ có thể là nền móng hay đúng hơn là nền cơ sở cho một đế chế lâu dài.
Không phải ngẫu nhiên mà Mikel Arteta tự tin khẳng định trước trận gặp Chelsea về việc Arsenal vô địch Premier League, rằng đó “chỉ là vấn đề của thời gian”. Giá trị của sự kiên nhẫn đang cho ra quả ngọt, và giờ là lúc Chelsea nên học theo điều đó. Có thể lâu, có thể tốn công sức nhưng câu chuyện đường dài sẽ là một câu chuyện rất khác với đội bóng thành London. Chẳng phải nhìn đâu xa, nhìn Arsenal là rõ.