ĐT Việt Nam chờ cầu thủ nhập tịch đến bao giờ?
Các đội tuyển bóng đá nam và nữ Việt Nam đều mong muốn được bổ sung một số nhân tố là những tài năng gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Tuy nhiên vướng mắc về mặt thủ tục khiến các tài năng này chưa thể trở về cống hiến.
Trong khi các môn thể thao như bóng rổ, quần vợt đang tất bật chiêu mộ các tài năng gốc Việt đang sinh sống tại nước ngoài thì bóng đá lại đang gặp nhiều vưỡng mắc. Các cầu thủ gặp một số khó khăn nhất định nên con đường trở về quê nhà để khoác áo tuyển Việt Nam nam và nữ. Bản thân họ đều tha thiết muốn được cống hiến cho đội bóng quê hương trong khi đó các HLV đội tuyển Việt Nam như ông Park Hang-seo hay Mai Đức Chung đều nhận định rằng cầu thủ Việt kiều là nguồn tài nguyên quý mà Việt Nam cần phải biết trọng dụng.
Vừa qua khi ĐT nữ Việt Nam giành vé dự World Cup 2023, HLV Mai Đức Chung thừa nhận: “Tôi đã chấm được 1 trung vệ và 1 tiền vệ gốc Việt đang thi đấu chuyên nghiệp tại Úc, nhưng thủ tục nhập tịch dường như đang là rào cản, khiến họ không dễ được khoác áo tuyển Việt Nam”.
Filip Nguyễn chưa thể nhập tịch Việt Nam do vướng mắc về thủ tục
Tuy vậy các cầu thủ bóng đá đang gặp nhiều khó khăn trong việc nhập tịch. Lý do là bởi họ không đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, có 5 điều kiện để một công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam nhập tịch Việt Nam.
Một là, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hai là, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam. Ba là, biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam. Bốn là đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam. Năm là có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
→ Xem thêm:
Chiếu theo 5 điều kiện trên, khó khăn lớn nhất với các cầu thủ khi muốn nhập tịch Việt Nam là đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam. Tiêu biểu như trường hợp của thủ môn Filip Nguyễn.
Vài năm trước, anh từng được cơ quan hữu quan tại Việt Nam trả lại hồ sơ vì không đủ điều kiện nhập tịch. Theo luật Quốc tịch Việt Nam, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có thẻ cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên Filip Nguyễn chưa bao giờ cư trú ở Việt Nam nên không được cấp thẻ - thiếu 1 trong các điều kiện để nhập tịch.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP.HCM, trường hợp của Filip Nguyễn có thể nhập tịch Việt Nam theo dạng đặc biệt. Cụ thể theo luật, người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch mà không phải có các điều kiện nói trên nếu có lợi cho Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Filip Nguyễn thể hiện nguyện vọng muốn nhập tịch để thi đấu cho ĐT Việt Nam có thể được coi là việc làm có lợi cho Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Việc thi đấu thể thao nói chung hay bóng đá nói riêng trên đấu trường quốc tế là sự thể hiện vì màu cờ sắc áo dân tộc. Chính vì vậy, Filip Nguyễn có thể dựa vào điều luật này để có thể nhập tịch Việt Nam.
Phòng Gia Huy - cầu thủ Việt kiều Đức cũng đang là cái tên được VFF quan tâm
Bên cạnh đó Filip Nguyễn đã lấy vợ (cũng là Việt kiều và là công dân Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam) nên theo luật Quốc tịch, anh hoàn toàn đủ điều kiện trở thành công dân Việt Nam như ước nguyện của anh và gia đình.
→ Xem thêm:
Quan điểm của Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF là luôn hỗ trợ nhiệt tình các cầu thủ Việt kiều thực hiện các quy trình nhập tịch. VFF cũng đã tìm hiểu về các cơ chế, chính sách liên quan vấn đề này. Trong đó có Nghị quyết 16 của Chính phủ về hướng dẫn luật Quốc tịch Việt Nam ban hành đầu năm 2020, cũng ghi rõ, người được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam là người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho đất nước Việt Nam, là người có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục…
Bình luận bài viết