ĐT Việt Nam và World Cup: Khi giấc mơ cũng cần đánh thuế
ĐT Việt Nam vừa đón nhận thêm một thất bại tại chiến dịch vòng loại 3 World Cup, tính rộng ra là thất bại thứ 6 liên tục. Giấc mơ World Cup vì thế cũng thêm một bước xa vời.
-
Hà Nội cùng bảng với HAGL tại vòng loại U21 Quốc gia 2021
-
Messi và Argentina chính thức giành vé dự VCK World Cup 2022
-
ĐT Việt Nam “xả trại”: HLV Park được vợ đón, Văn Toàn xuất hiện cực chất
-
SLNA ký hợp đồng 2 tỷ với nhà tài trợ trang phục mới
-
ĐT Việt Nam thua 6 trận vẫn chưa hết cơ hội dự VCK World Cup 2022!
Trước thềm diễn ra cuộc tái đấu giữa ĐT Việt Nam và Saudi Arabia trên sân Mỹ Đình, giới chuyên môn và NHM đã thêm một lần kỳ vọng thầy trò ông Park có thể làm nên chuyện. Đó có thể không phải là một chiến thắng, nhưng chí ít là giành về 1 điểm cũng đã được coi là thành công. Ấy vậy nhưng sau 90 phút thi đấu, tuyển Việt Nam đã không thể làm được bất cứ điều gì khác ngoài để lại hai từ tiếc nuối.
Bàn thắng duy nhất của Saleh Al-Shehri đã thổi bay mọi hy vọng có được điểm số đầu tiên của Quang Hải và các đồng đội. 1-0 là kết quả vừa đủ để Saudi Arabia giành trọn vẹn 3 điểm, đồng thời cũng là đủ để ĐT Việt Nam phải chờ cơ hội kiếm điểm sang đầu năm 2022.
Có một thực tế phải thừa nhận rằng, Saudi Arabia đã không chơi với tất cả những gì họ có trước Việt Nam. Thậm chí sẽ là không quá nếu như nói rằng Saudi Arabia tại Mỹ Đình tối 16/11 yếu hơn rất nhiều so với với trận đấu lượt đi trên sân nhà của họ.
ĐT Việt Nam vừa nhận thất bại 0-1 trước Saudi Arabia
Thế nhưng bằng một cách nào đó, lưới của Tấn Trường vẫn rung lên và đoàn quân của ông Park vẫn cứ loay hoay trong đường hồi đáp mảnh lưới đội bạn. Bàn thắng ở phút 31 quả thực không thể đổ vấy trách nhiệm lên bất cứ cá nhân nào.
Al-Muwallad trong tư thế phải xoay lưng lại với khung thành với biết cách để tạo ra một quả tạt chất lượng và cú bật cao đánh đầu lái bóng sau đó của Saleh Al-Shehri khiến Tấn Trường chỉ còn biết đứng chôn chân.
16 điểm sau 6 lượt trận, Saudi Arabia đang tiến gần hơn tới tấm vé tới Qatar vào năm sau. Vấn đề lớn nhất với thầy trò HLV Herve Renard lúc này chỉ còn là thời gian mà thôi. Kỳ thực nhìn những gì bóng đá Saudi Arabia đã và đang làm, đó quả thực không phải là chuyện hôm qua hôm nay mà là cả một quá trình.
Thời điểm 2012, bóng đá nước này lâm vào tình cảnh suy thoái. Họ tụt xuống xuống vị trí thứ 126 trên bảng xếp hạng FIFA. Và rồi từ chỗ là ông lớn của Tây Á, họ thụt lùi dần và rồi sa sút không phanh.
Thế nhưng ngay sau thời điểm đó, Saudi Arabia đã nhanh chóng bước vào công cuộc cải tổ. Họ định hướng giải vô địch quốc gia của họ theo mô hình của Ngoại hạng Anh. Những người đứng đầu của Saudi Arabia đã thuê luôn tập đoàn tư vấn bóng đá hàng đầu thế giới Boston Cosulting Group để phân tích kỹ lưỡng và vạch ra đường hướng để giúp nước này giành quyền đăng cai World Cup trong tương lai.
Không những thế, Quỹ đầu tư công (PIF) của họ còn thể hiện rõ tham vọng vươn tầm khi chi ra 320 triệu bảng Anh để mua lại CLB Newcastle đang chơi ở giải đấu số 1 thế giới Premier League. Nhìn những bước đi cụ thể và chắc chắn như vậy để thấy, giấc mơ World Cup hay xa xôi hơn là lọt top 20 đội bóng mạnh nhất thế giới là không hề hoang tưởng chút nào.
Saudi Arabia vượt trội hoàn toàn so với ĐT Việt Nam về nhiều mặt
Về phía Việt Nam, tất nhiên chúng ta không thể chơi theo kiểu của Saudi Arabia, kiểu chơi nhà giàu không gì ngoài điều kiện. Thế nhưng có một điểm chung đó chính là việc NHM và những nhà quản lý bóng đá luôn khao khát một ngày nào đó được thấy quốc ca Việt Nam cất lên tại sân chơi lớn nhất hành tinh.
Saudi Arabia đã từng đổ không biết bao nhiêu tiền của để hoạch định, để phát triển mà vẫn vắng mặt ở World Cup 2014. Họ dù là ông lớn của bóng đá châu Á nhưng cũng chỉ là hạng xoàng khi bước ra chạm trán với những đội bóng châu Âu. Vậy nên việc vấp váp, không thể hiện được nhiều trong lần đầu góp mặt ở chiến dịch vòng loại 3 cũng không có gì quá khó hiểu.
Thế nhưng nói như thế không đồng nghĩa với việc chấp nhận sự thua kém đó. Bóng đá Việt Nam đã đầu tư, đã cải tổ nhưng có vẻ như đang đi nhầm hướng hay đúng hơn là thiếu trọng tâm.
Xem thêm:
HLV Park Hang Seo trong lần trả lời phỏng vấn mới nhất cũng đã bộc bạch rằng đã gần 4 năm kể từ khi ông tới Việt Nam, ông vẫn chưa thể tìm kiếm được một nhân tố nào đủ tốt để thay thế hay bắt cặp cùng Tiến Linh hay Hà Đức Chinh. Những tiền đạo đang chơi ở V.League chỉ được xếp vào mẫu tiền đạo tầm trung ở giải đấu trong nước, vậy động lực nào để những cái tên ấy bước ra tầm châu lục.
Sự hiện diện của những ngoại binh cao to, khỏe mạnh và dồi dào về thể lực lẫn sức rướn đang khiến cho các tiền đạo nội “chết yểu”. Liệu rằng đã tới lúc bóng đá Việt Nam siết lại các quy định về ngoại binh, tạo sân chơi và đất diễn cho cầu thủ nội phát triển, tương tự như cái cách người Nhật đã làm. Dù rằng cách làm ấy có phần hơi “cực đoan”, nhưng nhìn về lâu thì dài thì đó lại là phương án tốt cho bóng đá nước nhà phát triển.
Hơn nữa, công tác đào tạo trẻ cũng cần được chăm chút và quan tâm hơn nữa. Không phải vô cớ mà sau lứa thế hệ U23 giành ngôi Á quân ở VCK U23 châu Á 2018, những nhân tố kế cận vẫn cứ chật vật thể hiện mình.
ĐT Việt Nam cần nhiều hơn sự kỳ vọng để vươn tới giấc mơ World Cup
Đặc biệt là những người đứng đầu của bóng đá Việt Nam cũng cần ngồi lại và hoạch định một đường hướng phát triển rõ ràng thay vì cứ kỳ vọng, kỳ vọng vào HLV Park Hang Seo, vào lứa Quang Hải, Công Phượng như hiện thời.
Một giải đấu quốc nội đủ tốt, đủ chuyên nghiệp và bài bản sẽ là bệ phóng cho rất nhiều tài năng. Chừng nào những cuộc họp bàn, hội thảo hay tranh cãi về việc dừng hay hủy V.League, các vấn đề quyền lợi hay khâu tổ chức, công tác trọng tài vẫn còn xuất hiện như cơm bữa thì thật khó để NHM tin vào sự phát triển lâu bền của bóng đá nước nhà.
ĐT Việt Nam đã có lần đầu tiên tham dự Vòng loại cuối cùng của một kỳ World Cup, tất nhiên là ngập đầy sự bỡ ngỡ và vấp váp. Thế nhưng ấy mới mới chỉ là bước khởi đầu trước khi nghĩ tới chuyện xa hơn, tầm cỡ hơn.
World Cup 2026, World Cup 2032 vẫn còn đương ở phía trước, 4 năm hay 8 năm vẫn sẽ khoảng thời gian đủ để bóng đá Việt Nam tính lại. Và có lẽ cũng đã tới lúc, giấc mơ cũng cần được tính thuế, nhưng thay vì tính thuế tiền bạc kiểu Saudi Arabia thì sẽ là thuế kỳ vọng. Một loại thuế đắt đỏ nhưng lúc nào cũng sẵn có.
Bình luận bài viết