"Hãy thương yêu và quan tâm bóng đá nữ nhiều hơn nữa"
Ông Phạm Hải Anh, một trong những người tiên phong cho sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam, cho rằng đất nước ta đang sở hữu truyền thống, đẳng cấp bóng đá nữ tuyệt vời, vậy nên cần trân quý và phát triển xứng tầm.
-
Quang Hải dương tính Covid-19, lỡ trận đấu của Hà Nội FC
-
Văn Hậu gặp gỡ nhân vật đặc biệt tại Hàn Quốc trước khi về Việt Nam
-
AFC vinh danh người hùng ĐT nữ Việt Nam ở hạng mục xuất sắc nhất
-
Quang Hải nghi nhiễm Covid-19, Hà Nội FC và ĐT Việt Nam lo sốt vó
-
HAGL hủy kế hoạch quan trọng trước ngày V.League 2022 khởi tranh
Ông Phạm Hải Anh là Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Thi đấu TDTT tỉnh Hà Nam, vị Giám đốc lịch thiệp này từng nhiều năm gắn bó sâu nặng với phong trào thể thao nói chung cũng như bóng đá nữ nói riêng. Ông chính là người 'mở đường' từ những ngày đầu vào nghề cho nhiều tuyển thủ nữ quốc gia nổi tiếng sau này.
"Tôi vui lắm chứ khi các bạn nữ đã mang về chiến tích như thế. Vui vì các bạn đã vượt qua được những gian khó, hy sinh để 'cháy' hết mình, cống hiến hết mình", ông Hải Anh bày tỏ hạnh phúc trước kỳ tích giành vé dự VCK World Cup 2023 của tuyển nữ Việt Nam.
"Thành quả hôm nay, những điều có được hôm nay thuộc về chính các bạn cầu thủ cùng những HLV dẫn dắt bóng đá nữ Việt Nam qua nhiều giai đoạn. Các bạn ấy phải hy sinh nhiều lắm, vượt khó nhiều lắm. Từng nhiều năm lăn lộn, gắn bó với phong trào từ những năm đầu phát triển bóng đá nữ, dìu dắt các nữ cầu thủ nên tôi hiểu được điều này. Chỉ nói đơn giản thế này thôi, chính sự nỗ lực không ngừng, biết cách vượt lên gian khó như thế để có thành công đã đáng quý vô cùng."
>>> Xem thêm:
Chiến tích giành vé dự World Cup nữ là cột mốc chói lọi trong lịch sử bóng đá Việt Nam
Nhưng sau những chiến tích ấy, ông Hải Anh ngay lập tức tự đưa tâm trí trở về thực tại: "Vui nhưng cũng ưu tư nhiều lắm, trăn trở, nghĩ suy nhiều lắm. Làm sao để các bạn có được điều kiện tốt hơn, đủ đầy hơn mà theo nghiệp đá bóng. Rồi tìm ra hướng đi, lộ trình, mô hình cho bóng đá nữ nước nhà trong tương lai để phát triển căn cơ, bền vững chứ không chỉ có thành tích rồi vui, sau đấy lại lắng xuống dần."
Những ưu tư trăn trở đằng sau cột mốc lịch sử của nền bóng đá nữ nước nhà cũng được ông Phạm Hải Anh phân tích sâu hơn theo nhiều phương diện.
Bất cập đầu tiên được ông chỉ ra là về điều kiện kinh tế: "Với những điều kiện khác nhau, cầu thủ nữ ở các miền quê cả nước gắn bó nhiều hơn với con đường đá bóng. Có thể điều kiện kinh tế khó khăn nên các cầu thủ ở nông thôn luôn chọn cho mình nghề đá bóng để có hướng đi. Thực tế, có những nhân tố tốt nhưng khi điều kiện kinh tế ổn định thì họ không theo con đường đá bóng."
Các cầu thủ nữ làm đủ mọi nghề tay trái để mưu sinh
Vậy nhưng, sau đó lại phát sinh thêm một vấn đề khác, đó là chế độ đãi ngộ khi hy sinh để theo nghiệp 'quần đùi áo số' cho các cầu thủ nữ là không đủ tốt. "Điều tôi trăn trở suốt những năm tháng gắn bó với bóng đá nữ là chế độ cho các em còn thấp, không thể đảm bảo được điều kiện cuộc sống. Tôi vẫn mong muốn các cầu thủ được tăng thêm chế độ để yên tâm tập luyện, thi đấu, để bóng đá nữ có cơ hội phát triển hơn, rộng rãi hơn", ông Hải Anh với những nỗi trăn trở về những thiệt thòi của các cầu thủ nữ.
"Chúng ta nói thì thấy đơn giản như thế, nhưng xắn tay vào việc mới thấy hết cái khó, cái bất cập. Điều này cần được quan tâm hơn nữa về cả chính sách, chế độ và tìm ra hướng đi. Ngành TDTT hay VFF cũng đã có cố gắng suốt thời gian qua. Bên cạnh đó còn cả sự chung tay của địa phương, doanh nghiệp hay các mạnh thường quân, các ông bầu tâm huyết. Chẳng hạn, sau tấm Huy chương Vàng SEA Games 30 năm 2019, khoản kinh phí tài trợ 100 tỷ đồng cho các hoạt động của ĐTQG và bóng đá trẻ từ một doanh nghiệp thật sự đúng lúc và quý gia vô cùng."
Các giải VĐQG nữ Việt Nam vẫn có quá ít đội bóng và địa phương tham dự
Cuối cùng, Giám đốc Phạm Hải Anh đề cập tới hệ thống giải VĐQG nữ Việt Nam, thứ mà ông cho rằng sẽ tạo ra nền tảng động lực phát triển vượt bậc bóng đá nữ nước nhà. "Hệ thống các giải đấu trong nước hiện nay về cơ bản đã đáp ứng với nhiều giải đấu khác nhau. Chúng ta có giải VĐQG, giải Cúp Quốc gia và kể cả các giải trẻ thuộc lứa U16-U19 được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên số lượng các địa phương còn ít, CLB tham gia vào các giải đấu còn quá ít", ông Hải Anh nói.
Người tiên phong của bóng đá nữ Việt Nam khẳng định muốn phát triển cần có được số lượng nhiều hơn nữa các đội bóng tham gia hoạt động thi đấu, từ đó tạo ra được tính kế thừa, đồng bộ các tuyến trẻ xuyên suốt, kết nối nhau, tạo nguồn bổ sung ĐTQG.
Chốt lại ông Phạm Hải Anh nhận mạnh: "Chúng ta đã sở hữu được truyền thống, đẳng cấp tuyệt vời về bóng đá nữ. Tôi mong hãy thương yêu, quan tâm để bóng đá nữ vươn lên xứng tầm thế giới, điều đó theo tôi không quá khó!"
Bình luận bài viết