“Lỗ hổng” lớn đằng sau chiến công của U23 Việt Nam

Thứ Ba, ngày 14/06/2022 - 14:17
3.1 /5 của 41 đánh giá

Đằng sau chiến công của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2022 là “lỗ hổng” lớn mà những nhà làm bóng đá cần mau chóng tìm ra phương án giải quyết.

U23 Việt Nam khép lại hành trình tại VCK U23 châu Á 2022 với thành tích là 1 trong 8 đội mạnh nhất giải. Dù dừng bước ở tứ kết song những gì mà U23 Việt Nam thể hiện qua 4 trận đấu đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với bạn bè quốc tế. U23 Việt Nam cũng là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á lọt vào vòng đấu này.

Người hâm mộ dĩ nhiên vui mừng và tự hào với chiến công của đoàn quân HLV Gong Oh-kyun, nhất là khi lứa cầu thủ này không được đánh giá cao như lứa đàn anh từng làm nên kỳ tích Thường Châu cách đây 4 năm. Thế nhưng, sau niềm vui ấy lại nỗi lo lắng, khi U23 Việt Nam còn đó "lỗ hổng" lớn.

23 cầu thủ U23 Việt Nam được đăng kí thi đấu tại U23 châu Á 2022 có 6 cầu thủ của Hà Nội FC; 4 cầu thủ Viettel; 2 cầu thủ HAGL; 2 của Hải Phòng; còn Sài Gòn, Đà Nẵng, Bình Định, Hà Tĩnh đều đóng góp 1 cầu thủ. Ngoài ra còn có một số cầu thủ của các đội hạng nhất, như Phố Hiến đóng góp 3; Công an nhân dân 1, Đắk Lắk 1.

Trong số 23 cái tên này, ít ai ngờ, chỉ có đúng 4 cầu thủ có suất đá chính tại các CLB V.League. Đó là Nguyễn Văn Toản (Hải Phòng), Bùi Hoàng Việt Anh (Hà Nội FC), Nguyễn Thanh Bình (Viettel), Lý Công Hoàng Anh (Bình Định).

4/23 cầu thủ được đá chính ở V.League

Phần còn lại, hoặc là ngồi dự như Nhâm Mạnh Dũng, Trần Danh Trung, hoặc là phiêu dạt ở những đội bóng hạng Nhất như Tuấn Tài, Lê Minh Bình. 

Thực tế, đây không phải câu chuyện mới. Từ sau thành công của lứa cầu thủ 1995 - 1997, làn sóng trẻ tại V.League đã không còn mạnh mẽ như trước. Các đội bóng đi đầu trong công tác đào tạo trẻ như Hà Nội FC, Viettel, HAGL… đều gặp vấn đề khó khăn khác nhau.

Điểm lại vài năm qua, số lượng các cầu thủ trong độ tuổi từ 1999 trở đi rất hiếm khi có suất đá chính tại CLB, dù đều là trụ cột quan trọng tại cấp độ U23. Do đó, nguyên nhân không đến từ năng lực của mỗi cầu thủ, mà nằm ở cách sử dụng nhân sự của các HLV cũng như áp lực từ thành tích.

Một quan chức Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) chia sẻ: “Sau khi U23 Việt Nam giành ngôi á quân U23 châu Á 2018, VFF và VPF cũng đã xin ý kiến các đội về việc đưa vào điều lệ V.League quy định mỗi CLB sử dụng ít nhất 1 cầu thủ dưới 23 tuổi/trận. Tuy nhiên, rất ít đội đồng ý nên VPF không thể triển khai được. Nếu VFF và VPF sắp tới xin ý kiến 1 lần nữa, các CLB nên đồng thuận”.

Các CLB không quá ưa dùng các cầu thủ trẻ

Rõ ràng, các đội bóng có lý do để phản đối quy định này. Các cầu thủ trẻ tuy có năng lực nhưng kinh nghiệm chinh chiến còn hạn chế và so với các đàn anh đi trước chắc chắn không thể so bì. Song để bóng đá Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, các nhà làm bóng đá cần tìm ra phương án giải quyết vẹn cả đôi đường.

Tài năng trẻ là điều không thể lãng phí, nhất là khi, sự xuất hiện của họ còn mang lại những làn gió mới cho bóng đá Việt Nam vốn đang có những lo lắng về sự đi xuống của thế hệ vàng. Ngoài Hùng Dũng, Tiến Linh, Quế Ngọc Hải, Hoàng Đức thì, các trụ cột khác vẫn đang có những vấn đề của riêng mình.

Ngoài 4 gương mặt đá chính thường xuyên ở V.League, U23 Việt Nam vẫn còn Tuấn Tài, Duy Cương, Hai Long,... xứng đáng được trao cơ hội ở giải đấu cao nhất bóng đá nước nhà. Các cầu thủ chỉ có thể tiếp tục tiến bộ nếu được cọ xát và tích lũy kinh nghiệm.

Tuấn Tài xứng đáng được trao cơ hội tại V.League

Thế hệ làm nên lịch sử 2018 có đến 8 cầu thủ được đá chính thường xuyên tại V.League nên độ tinh quái cũng như kinh nhiệm vượt xa những cầu thủ còn lại. Do đó, các cầu thủ trẻ cần được tin tưởng nhiều hơn, trao cơ hội thi đấu nhiều hơn.

Điều này còn phục vụ cho tư tưởng làm mới của HLV Park Hang Seo tại ĐT Việt Nam trong bối cảnh AFF Cup 2022 đang tới rất gần. Mục tiêu của ĐT Việt Nam là đòi lại ngôi vương từ tay Thái Lan.

Bình luận bài viết

Soi kèo Bóng đá Việt Nam