VAR: Thước đo minh bạch hay nhát dao giết chết cảm xúc?

Thứ Tư, ngày 13/10/2021 - 09:57
4.4 /5 của 6 đánh giá

ĐT Việt Nam vừa mới thất thủ trước Oman, trong một trận đấu mà bàn thắng hay các tình huống tranh chấp chỉ là thứ gia vị phụ họa cho những cảm xúc hỗn độn mà VAR mang lại.

ĐT Việt Nam và cơn ác mộng VAR

Phút thi đấu 25 hiệp 1 cuộc đối đầu giữa Oman và Việt Nam, tiền vệ Nguyễn Quang Hải có pha đi bóng trong vòng cấm và bị cánh tay của cầu thủ thủ nhà cản đường di chuyển dẫn tới pha ngã sau đó.

Trọng tài chính điều khiển trận đấu ngay lập tức xua tay và nói không với 11m dù rằng ông đứng ngay sát tình huống đó. Bên ngoài đường pitch, HLV HLV Park Hang Seo phản ứng dữ dội vì học trò bị phạm lỗi, NHM thì tin rằng nếu như pha bóng đó là một cái bóng áo đỏ của Oman thì mọi thứ đã lại khác.

Phút 39, hậu vệ Hồ Tấn Tài có pha đoạt bóng đầy khôn ngoan trước khi tung cú sút cực mạnh khiến thủ thành của Oman không thể bắt dính bóng. Ngay sau đó, Tiến Linh xuất hiện và đệm bóng dễ dàng vào khung thành trống.

VAR xuất hiện liên tục trong trận đấu giữa Oman vs ĐT Việt Nam

Ấy vậy nhưng bàn thắng chưa được công nhận ngay khi trọng tài chính ra dấu cần tới sự hỗ trợ của VAR để xác định bàn thắng có hợp lệ hay không.

Vị trọng tài người Jordan đã mất tới hơn 3 phút chỉ để xem đi xem lại pha quay chậm tình huống dẫn tới bàn thắng của Tiến Linh. Ngay sau khi đã xác định được động tác của Hồ Tấn Tài đoạt bóng là hợp lệ, vị vua áo đen này tiếp tục yêu cầu theo dõi lại pha bóng trước đó để xác định khả năng mắc lỗi việt vị của Công Phượng từ đường chuyền dài của Hồng Duy.

Sau liên tiếp những pha đổi góc máy, ông Makhadmeh xác định cả 2 pha bóng của ĐT Việt Nam đều không phạm lỗi và bàn thắng sau đó mới được công nhận. Có vẻ như tổ VAR đang cố “bới lông soi vết” để tìm ra bằng được lỗi sai trong bàn thắng của ĐT Việt Nam?

ĐT Việt Nam liên tục bị VAR can thiệp

5 phút sau đó, tới lượt Duy Mạnh bị thổi phạt trong vòng cấm, VAR ngay lập tức xuất hiện và một quả 11m được trao cho Oman. Thế rồi tình huống ĐT Việt Nam nhận bàn thua thứ 2, Văn Toản trong nỗ lực nhảy lên đấm bóng đã bị đối phương ngăn chặn. Thế nhưng VAR lại không xuất hiện và rồi bàn thắng được công nhận cho Oman.

Công bằng mà nói thì VAR đã làm tốt nhiệm vụ của mình ở trận đấu vừa qua, thế nhưng trên phương diện tâm lý và cảm xúc thì không. Hầu hết các tình huống gây tranh cãi bởi công nghệ trọng tài đều ít nhiều dính dáng tới ĐT Việt Nam trong khi Oman thì được ưu ái?

Không riêng gì trận đấu với Oman, các trận đấu trước đó với Saudi Arabia hay Australia, ĐT Việt Nam cũng đều hứng chịu những bất lợi liên quan đến công nghệ trọng tài này.

Thước đo minh bạch hay nhát dao giết chết cảm xúc?

VAR được biết tới là tên gọi viết tắt của công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (Video Assistant Referee). Công nghệ này được đưa vào sử dụng trong bóng đá với mục đích giúp cho các trọng tài có thể đưa ra những quyết định chuẩn xác nhất. Kể từ sau World Cup 2018, VAR trở nên phổ cập ở hầu khắp các giải đấu lớn và trở thành thước đo cho sự minh bạch và cán cân công lý trong môn thể thao vua.

Không đâu xa lạ, chính ĐT Việt Nam cũng đã có dịp nếm trải đầy đủ cảm xúc của VAR trong cuộc đối đầu với Nhật Bản tại Asian Cup 2018. Khi ấy VAR đã từ chối một bàn thắng của Maya Yoshida và rồi sau đó khiến chúng ta thất vọng vì phải lãnh một quả phạt đền. Tất nhiên cả 2 pha bóng đó đều chính xác và NHM cảm thấy được sự công bằng mà VAR mang lại.

Bàn thắng thứ 2 của Oman cũng khiến nhiều NHM cảm thấy khó hiểu vì VAR không xuất hiện

VAR khác với goal line khi mà người quyết định sau cùng là trọng tài chính. Và dù có chính xác đến từng milimet thì phán quyết chốt hạ của vị vua áo đen cũng sẽ gây ra muôn vàn tranh cãi. Tất nhiên là trọng tài không phải lúc nào cũng chính xác, chí ít là trong một vài tình huống hay có thể là do một vài yếu tố khác nhau.

Chính bởi thế cho nên ở một chừng mực nào đó, VAR sẽ khiến cho trận đấu trở nên công bằng hơn khi mà trọng tài có thể đưa ra cái nhìn đa chiều nhất về các tình huống nhạy cảm trên sân. Tuy vậy cách thức mà VAR vận hành lại đang tồn tại khá nhiều vấn đề, đơn cử như trong trận đấu vừa qua của ĐT Việt Nam vs Oman vậy.

Trọng tài sẽ là người đưa quyết định lúc nào sử dụng công nghệ này, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một số tình huống bị bỏ qua và đây có thể là “nguồn cơn tạo nên sự bất công”. Tình huống của Quang Hải ngã trong vòng cấm hay “double check” trong bàn thắng của ĐT Việt Nam có thể xem là một dạng ví dụ kiểu này.

Đành rằng các pha “check VAR” của trọng tài và đội ngũ hỗ trợ là hợp lý, thế nhưng nếu như vị vua áo đen người Jordan “công bằng” hơn thì chí ít tình huống của Quang Hải hay Văn Toản cũng cần ít nhất 1 lần lên hình để xem thực hư sự vụ.

ĐT Việt Nam đã không chơi tốt, nhưng VAR cũng khiến cho trận đấu không được toàn vẹn

Không thể phủ nhận rằng công nghệ VAR là một sự tiên tiến trong bóng đá, thế nhưng có vẻ như chính VAR đang khiến cho cảm xúc trận đấu bị hao mòn. Việc dừng trận đấu tới gần 3 phút chỉ để xem đi xem lại tới 2 pha bóng và phớt lờ các tình huống khác có thể khiến cho NHM hồ nghi về sự công tâm của trọng tài và đội ngũ trọng tài video.

VAR có thể sẽ là một thước đo mới cho sự công bằng trong bóng đá, thế nhưng điều này chưa chắc đúng và đủ nếu như quyền quyết định chỉ rơi vào tay của một người. Tiền vệ Luka Modric từng thẳng thắng nói về VAR rằng: “Tôi không thích sự xuất hiện của VAR, vì đó không phải là bóng đá.”

Và sẽ là không quá chút nào khi nói rằng VAR đang dần giết chết đi cảm xúc của môn thể thao được yêu mến nhất hành tinh, điều được NHM cuồng si vì những cảm xúc không phải bộ môn nào cũng có được.

Đôi khi thước đo chuẩn mực hay công bằng không phải lúc nào cũng hoàn mỹ. Nhìn cái cách VAR đang khiến ĐT Việt Nam khốn đốn, người ta mới hiểu rõ điều này hơn lúc nào hết.

Bình luận bài viết

Soi kèo Bóng đá Việt Nam