V.League có nên áp dụng quy tắc bong bóng để thành công như J.League?
Các trận đấu tại J.League đang được diễn ra vô cùng đều đặn nhờ áp dụng quy tắc bong bóng. BTC V.League có lẽ nên nghĩ đến việc học tập giải đấu này.
Mặc dù diễn biến dịch COVID-19 tại Nhật Bản hiện tại vô cùng phức tạp, nhưng các trận đấu tại giải vô địch quốc gia nước này, J.League vẫn được diễn ra đều đặn hàng tuần.
Không chỉ giải đấu số một của bóng đá Nhật Bản được diễn ra, các trận đấu ở giải đấu hạng dưới cũng được tranh tài song song với việc phòng chống dịch bệnh. Xứ hoa anh đào đã làm nên điều không tưởng, khi tổ chức 1.042 trận trên tất cả hạng đấu, trong đó có trên 61 trận không có khán giả, tính từ ngày 27/6 cho tới nay.
Tổng cộng, đã có hơn 3,6 triệu lượt cổ động viên vào sân theo dõi các trận đấu ở nhiều hạng đấu mà không xuất hiện một trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng nào.
J.League đang diễn ra thành công
Bí quyết ở đây chính là quy tắc bong bóng, các giải đấu bóng đá tách biệt khỏi cộng đồng như cách các nước châu Âu áp dụng, nổi bật ở 2020 vừa qua. Các cầu thủ sẽ chỉ có thể di chuyển từ khách sạn đến sân tập, sân thi đấu và sau đó là quay về, được xét nghiệm COVID-19 thường xuyên. Các giải đấu, các CLB tại Nhật Bản đã đồng lòng vì lợi ích chung, mạnh dạn đối đầu với khó khăn để áp dụng phương thức mới giúp bóng đá không còn phải chật vật né tránh dịch bệnh.
Người hâm mộ không còn lạ lẫm với quy tắc bong bóng. Tại 3 trận cuối cùng của vòng loại 2 World Cup 2022 tại UAE của đội tuyển Việt Nam, hay 6 trận tại AFC Champions League trên đất Thái Lan của CLB Viettel, quy tắc này đều được áp dụng. Mọi thứ diễn ra cực kỳ thuận lợi, an toàn, không có một trường hợp bị dương tính nào.
Để quy tắc này được vận hành một cách hiệu quả, BTC các giải đấu đã giao cho mỗi đội bóng tự chịu trách nhiệm kiểm soát sự an toàn cho các thành viên và miễn bảo đảm từ 15 cầu thủ trở lên sẽ ra sân thi đấu. Vì điều này J.League 2020 vẫn diễn ra trong thời gian có dịch, không có đội xuống hạng, vẫn cho 2 đội của J.League 2 lên hạng để các đội bóng có thể chơi hết sức. BTC các giải đấu của Nhật Bản đề cao tính cống hiến cho cộng đồng hơn là kết quả giải đấu.
Chính phủ Việt Nam cũng đã đồng ý áp dụng quy tắc bong bóng cho các trận sân nhà của ở bảng B vòng loại 3 World Cup 2022. Nhờ điều này, Quang Hải và các đồng đội cùng các đội khách (Nhật Bản, Australia, Ả Rập Xê Út, Trung Quốc và Oman) khi nhập cảnh sẽ không cần cách ly 14 ngày như quy định của Bộ Y tế và có thể thi đấu trên sân Mỹ Đình. Nếu VFF xin phép Chính phủ áp dụng quy tắc bong bóng ở các giải đấu trong nước, sẽ có thể giúp V.League tìm được lối thoát chứ không bế tắc như hiện tại.
V.League cần tìm một giải pháp tối ưu
Chủ tịch Nguyễn Tiến Dũng nhận định về điều này: “Áp dụng quy tắc bong bóng cho V.League 2021 mà không có đội xuống hạng và vẫn cho hạng nhất lên hạng rồi tăng suất xuống hạng tại V.League mùa sau là một phương án hay.
Điều này giúp đội bóng hạng dưới được công bằng, đồng thời giữ tính cạnh tranh cho mùa sau. Tuy nhiên, do cần sự hỗ trợ của Chính phủ nên làm ngay lúc này thì Việt Nam cần cơ chế khá đặc thù nhiều thứ. Vì vậy đội Hà Tĩnh xin dừng và hủy giải nhằm tiết kiệm chi phí, ổn định ngân sách để các đội có thể chuẩn bị cho mùa giải sau tốt hơn.
Ông Dũng bày tỏ không tán thành việc kéo dài V.League 2021 sang năm 2022, bởi tình hình dịch bệnh khi đó vẫn còn là một dấu hỏi. BTC V.League 2022 phải tính toán phương án dự phòng, hoặc mạnh dạn đề xuất áp dụng quy tắc bong bóng.
Hoãn V.League sang năm không phải là cách giải quyết tốt nhất
Ngoài việc tổ chức giải đấu ra sao, BTC của các giải đấu bóng đá Việt Nam cũng cần nghĩ tới việc quyết định chức vô địch mùa giải này có được trao hay không, các suất dự cúp châu lục mùa tới sẽ được tính toán thế nào.
Tóm lại, việc quy tắc bong bóng được áp dụng sẽ là cứu cánh cho V.League và các CLB.
Bình luận bài viết