Bạn muốn tắt quảng cáo?

Áp lực từ thành công quá sớm

Chủ Nhật, ngày 23/12/2018 - 18:33
5/5 của 1 đánh giá

Năm 2018 sắp kết lại. Một năm thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam với dấu ấn của các tài năng trẻ. Việc 2 trong ba cái tên được vinh danh trong buổi lễ Gala Quả bóng vàng tối hôm qua là những cầu thủ mới 21 tuổi đời là sự vinh danh hoàn toàn xứng đáng. Nhưng cái gì cũng có giá của nó, thành công quá sớm luôn kéo theo những áp lực khó dò.

>> Tham khảo thêm:

Hoài niệm về mùa đông lạnh giá trên đất Thường Châu là hoài niệm đẹp đẽ. Ngôi Á quân Châu Á đẩy cái tên “U23 Việt Nam” lên tầm thương hiệu, vượt xa tầm vóc danh xưng đơn thuần của một đội bóng trẻ. Từ những cậu bé đá bóng thuần chất, nhiều cầu thủ bước lên sân khấu của những ngôi sao hạng A, nhận hợp đồng quảng cáo lớn và trở thành “thần tượng quốc dân” trong cơn bão hiệu ứng mà phải rất lâu nữa, bóng đá Việt Nam mới được chứng kiến trường hợp thứ hai.

Sẽ là dối lòng nếu nói không ao ước một lần trong đời được như U23 Việt Nam. Vị ngọt của thành công, các cầu thủ đã được nếm trải, nhưng cuộc đời không cho không ai điều gì. Chiến thắng đặt cho thế hệ cầu thủ đó áp lực tiếp tục phải thắng, nếu không muốn bị nói là thụt lùi, là ngủ quên trên chiến thắng hay tự mãn.

Bóng đá Việt Nam có một năm thành công

Suốt một năm qua, người ta dõi theo những Quang Hải, Công Phượng, Đức Chinh, Tiến Dũng như hình với bóng. Trong lẫn ngoài sân cỏ, mọi việc làm của các cầu thủ trẻ đều được đưa vào tầm ngắm. Không còn chỗ cho những sinh hoạt riêng tư nữa. Với sức mạnh của mạng xã hội, các chàng trai trẻ được phù phép thành những ngôi sao truyền thông. Sự xuất hiện với mật độ dày đặc trên truyền thông, việc phải public các hoạt động sinh hoạt hàng ngày tạo nên một áp lực không hề nhỏ với những chàng trai trẻ mà chỉ một năm trước rất nhiều người còn vô danh.

Rồi từ Thường Châu đó đến Indonesia tháng 8 và Mỹ Đình những ngày cuối năm, chúng ta được may mắn chứng kiến một hành trình chinh phục mãn nhãn của các chàng trai trẻ. Kèm theo đó là những lời tung hô có cánh cứ ngày càng được đẩy lên cao. Nhưng, trong thành công chúng ta phải lường trước những thất bại.

Nhưng điều đó có thể tạo ra áp lực cho các cầu thủ

Áp lực từ thành công, đặc biệt khi còn rất trẻ, là dạng áp lực tâm lý rất khó vượt qua. Nhiều những cái tên đã để lại bài học lớn. Văn Quyến, thần đồng mãi không thể lớn vì những vấn đề bên ngoài sân cỏ. Ở trời Âu, những tài năng thui chột khi tuổi mới đôi mươi là hằng hà sa số. Không phải ai cũng được như Emma Watson, song lại rất nhiều người rơi vào trường hợp của Daniel Radcliffe – “chàng phù thủy” mãi mãi không lớn nổi với cái bóng quá lớn của chính mình. Thất bại vì không vượt qua được cái bóng quá khứ in sâu, chôn chặt những người trẻ vươn lên trong thế giới thay đổi mỗi ngày.

Bởi, sự kỳ vọng của người hâm mộ chỉ tăng lên chứ không chịu đứng yên. Còn nhớ một số chỉ trích hướng vào HLV Park Hang Seo cùng các cầu thủ sau vị trí thứ tư tại ASIAD cũng cho thấy kỳ vọng của người hâm mộ đã bước lên tầm cao mới. Sau ngôi vị Á quân phải là chức vô địch. Các cầu thủ cũng không ngoại lệ. Quang Hải từng bị nhận định là vẫn “căng cứng” sau giải U23 châu Á. Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy bị soi nhiều vì những màn thể hiện mờ nhạt tại HAGL. Văn Thanh, Xuân Mạnh phải thi đấu với cường độ cao và dính chấn thương ngay khi trở về từ ASIAD. Giờ đến lượt Đình Trọng.

Các cầu thủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa

Những điều đó đến từ những “căng thẳng” là hệ quả của một thứ áp lực triền miên: Áp lực thành tích. Và áp lực đó sẽ càng lớn hơn với sức mạnh lan truyền của mạng xã hội như hiện nay. Bùi Tiến Dũng đã bị chỉ trích nặng nề sau một sai lầm ở Cúp Quốc Gia. Đức Chinh cũng không thể phớt lờ những lời chỉ trích vụt đến như một cơn bão sau trận đấu thất vọng tại Mã Lai. Nếu sau chiếc cúp vàng AFF là một Asian Cup thất bại hay một SEA Games vắng vàng, cơn bão chỉ trích sẽ lại ập đến.

Đó không phải lỗi của ai. Đó là sự thật hiển nhiên sau mỗi chiến tích. Bước chân vào vòng quay khắc nghiệt của vinh quang và danh vọng, mọi cầu thủ đều phải học cách chấp nhận và tiếp tục tiến lên.

Để có thêm một năm 2019 thành công

Lên được đỉnh cao đã khó, sống được ở trên đó còn khó hơn. nhanh chóng bị lãng quên vì một Văn Lâm thế chỗ. Rồi sẽ có những cái tên mới nổi lên, và những cái tên cũ cần phải làm quen với việc đó. Trí nhớ của người hâm mộ là ngắn hạn. Họ sẽ liên tục tìm những ngôi sao mới cho mình và những cái tên cũ sẽ phải vượt qua những hụt hẫng đó để tìm chỗ đứng. Không cách nào khác là tập trung vào chuyên môn của mình. Quang Hải, Quả bóng vàng Việt Nam 2018 là cái tên đáng được kỳ vọng nhất.

Giữa những lời tung hô, Hải kiệm lời. Giữa khó khăn, Hải tự đứng dậy. Hải chiến đấu trên sân chứ không phải trên mạng xã hội. Đến các HLV người Hàn còn phải thừa nhận sự chuyên nghiệp đến khắc nghiệt của Hải. Đó là một cách ứng xử thông minh để ít nhất là giữ được mình.

Thầy Park, người đàn ông 62 tuổi đầu hiểu rõ những khó khăn với “những đứa trẻ” của mình. Ông luôn cố gắng bảo vệ họ tránh xa khỏi giới truyền thông và bao bọc tất cả trong vòng tay. Nếu liên đoàn, các ông chủ và cả người hâm mộ cũng đều nghĩ được như vậy thì thật tốt quá. Mong rằng tất cả sẽ nhớ đến những cầu thủ trẻ hôm này với hình ảnh đẹp đẽ như Thường Châu năm nào. Còn các tuyển thủ, họ phải trưởng thành để bước chân vào thế giới bóng đá thực sự. Họ phải lớn.

Long Win

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT

Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Thêm tin tức
Bạn muốn tắt quảng cáo?