AFF Cup 2020: Khi tình yêu với trái bóng phải trả bằng tiền
Thông tin bản quyền AFF Cup cuối năm nay đã được một đơn vị của Việt Nam mua lại làm người hâm mộ thở phào, nhưng mức giá mà công ty này phải bỏ ra cũng thực sự khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Như vậy là Next Media, một công ty tư nhân đã chính thức sở hữu bản quyền của AFF Cup vào cuối năm nay. Mức giá được thông báo là 5 triệu USD tức tương đương với 115 tỷ VNĐ. Một mức giá không hề hè.
Nói là không rẻ bởi con số 5 triệu USD này chỉ dành để phát sóng tổng cộng 18 trận đấu của giải đấu cấp khu vực với 8 đội tham dự. Nếu so với con số 13 triệu USD mà chính công ty này bỏ ra để sở hữu bản quyền World Cup 2018 cách đây 2 năm thì đó là một mức giá rất vô lý. Nên nhớ World Cup là giải đấu có 32 đội bóng hàng đầu thế giới với tổng cộng 64 trận đấu diễn ra trong suốt 1 tháng trời. Dĩ nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng chúng ta cũng phải đối diện với một thực tế rằng, các hãng truyền hình của Việt Nam đang bị đối tác quốc tế ép giá rất mạnh.
Không thể phủ nhận tình yêu bóng đá rất lớn của người hâm mộ bóng đá nước nhà. Nhưng có cảm giác, tình yêu đó đang bị các đối tác nước ngoài lợi dụng. Khi mà bóng đá trở thành thứ gia vị không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt, đôi khi vượt lên ý nghĩa của một môn thể thao bình thường, chính những người làm truyền hình lại phải chịu sức ép rất lớn đến từ nhu cầu của người hâm mộ. Trong bao nhiêu năm, VTV đã luôn cung cấp bản quyền tất cả các giải đấu lớn của thế giới cũng như các trận đấu của ĐTQG Việt Nam miễn phí đến với người hâm mộ. Điều đó mang đến cảm giác, bóng đá ở Việt Nam như một món hàng miễn phí. Nhưng thực tế, trong thế giới này không có gì là miễn phí cả.
NHM Việt Nam có tình yêu mãnh liệt với bóng đá
Sau giai đoạn đầu mới mở cửa kết nối với thế giới, bản quyền của nhiều giải đấu lớn như World Cup, Euro, Premier League hay Champions League được cung cấp miễn phí thì nay đều đã trở thành những cuộc cạnh tranh khốc liệt của các nhà đài. Chúng ta đã bắt đầu quen với những khó khăn của các đối tác truyền hình lớn ở Việt Nam trong việc giành được bản quyền các giải đấu này trong vài năm gần đây. Từ năm 2013, khi K+ giành lấy quyền phát sóng giải đấu hàng đầu nước Anh là Premier League đến nay, giải đấu này đã không còn là món hàng miễn phí cho tất cả mọi người nữa. Sau đó là World Cup 2018 và Euro 2020, những giải đấu mà VTV gần như đã chào thua để rồi phải phối hợp với nhiều tập đoàn kinh tế khác mới có thể đưa đến cho người hâm mộ.
Không thể phủ nhận, việc một đài truyền hình mua và phát sóng một giải thể thao lớn nào cũng đều có thể thu được rất nhiều tiền từ quảng cáo. Nhưng với chi phí tăng phi mã như hiện nay, đó vẫn là một thách thức rất lớn với các đài truyền hình. Không phải ngẫu nhiên mà K+ trong nhiều năm qua vẫn báo lỗ dù họ có trong tay bản quyền của hai giải đấu lớn là Premier League và Champions League. Còn VTV thì ngày càng đuối trong các cuộc cạnh tranh bản quyền khi các đối tác nước ngoài nâng giá liên tục. Lý do là bởi khán giả Việt Nam đã quá quen thuộc với việc xem miễn phí các giải đấu này nên rất khó để chi thêm tiền cho các trận đấu dù họ có yêu thích đến đâu. Điều này tạo sức ép rất lớn lên các đài truyền hình khu bỏ số tiền lớn ra để sở hữu bản quyền các giải đấu.
Ngay với AFF Cup tới đây, vốn là một giải đấu quảng bá từng được Suzuki tài trợ thì nay cũng đã trở thành một giải đấu mà chúng ta phải bỏ tiền ra để có thể được theo dõi. AFF Cup là một giải đấu cấp khu vực, chưa nói đến việc khu vực đó thuộc vùng trũng của thế giới, thì việc giá trị bản quyền bị đẩy lên cao như hiện nay thực sự rất đáng lo ngại.
Ở mức độ nào đó, vì mục đích kinh doanh xây dựng thương hiệu của mình, các công ty mới như Next Media có thể gồng mình lên để mang về giải đấu cho khán giả Việt Nam, nhưng về lâu dài đó thực sự là một hiểm họa. Nếu một ngày VTV hay các đài truyền hình lớn không đủ khả năng bỏ ra số tiền lớn mua bản quyền phát sóng các trận đấu của ĐTQG Việt Nam nữa, sức ép từ người hâm mộ sẽ rất lớn. Quá khó để có thể cân bằng bài toán kinh tế mà lại thỏa mãn người hâm mộ.
Sẽ ra sao nếu một ngày các đơn vị của Việt Nam không thể có được bản quyền các giải đấu lớn?
Chính các đối tác nước ngoài cũng hiểu được tình yêu bóng đá rất lớn nên việc ép giá cũng liên tục diễn ra. Mức giá 5 triệu USD cho AFF Cup năm nay là mức giá cao kỷ lục của giải đấu này khiến cho nhiều đài truyền hình đã phải rút lui. Rất may là cuối cùng Next Media đã giải cứu cho người hâm mộ khỏi nguy cơ không được xem giải đấu.
Nhưng với tư cách là những người hâm mộ, chúng ta cũng sẽ phải tự điều chỉnh lại những hành vi thưởng thức bóng đá của mình. Mọi thứ sẽ không còn miễn phí nữa, việc chấp nhận bỏ tiền và xem bóng đá một cách văn minh hơn là điều không thể tránh khỏi. Chỉ có như thế, chúng ta mới thoát khỏi cảm giác mình đang bị các nhà đài phản bội nếu đến một ngày, ngay cả AFF Cup cũng không còn miễn phí nữa.
Long Win
Bình luận bài viết