Từ chuyện Công Phượng và cầu thủ Việt Nam xuất ngoại: Những bước chân đi
Cuối cùng thì Công Phượng cũng đã trở về với V League, nơi mà chúng ta phải thừa nhận là phù hợp với em hơn là trời u cao và xa vời vợi. Nhưng đừng vì thế mà buồn hay thất vọng, bởi mỗi bước đi đều đáng trân trọng.
Cầu thủ Việt Nam đầu tiên ra nước ngoài chơi bóng được ghi nhận phải là Lê Huỳnh Đức. Đức sang chơi cho Lifan, một đội bóng Trung Quốc theo một bản hợp đồng quảng cáo. Vào thời điểm đó, bước đi của Đức chỉ là một chuyến du lịch đúng nghĩa. Nhưng đó vẫn là bước chân đầu tiên của một cầu thủ Việt ra sân chơi nước ngoài.
Một vài cầu thủ Việt sau đó như Lương Trung Tuấn hay Nguyễn Việt Thắng cũng từng ra nước ngoài chơi bóng để tránh án phạt trong nước của VFF vào đầu những năm 2000. Đó là những bản hợp đồng tạm bợ và không được để ý đến. Lê Công Vinh sau đó có những chuyến du học tại Nhật và Bồ Đào Nha theo đúng nghĩa là học hỏi. Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh cũng đều đã tới Nhật hoặc Hàn Quốc để học tập khi còn trẻ.
Đây vẫn là những chuyến đi đào tạo chứ không phải là những bản hợp đồng chuyên nghiệp. Sau thành công của AFF Cup 2018, chúng ta được chứng kiến những bản hợp đồng đầu tiên của bóng đá Việt Nam với thế giới.
Xuân Trường, Văn Lâm sang Thái chơi cho những đội bóng hàng đầu. Công Phượng qua Hàn Quốc rồi tới Bỉ. Văn Hậu sau đó cũng nối gót các đàn anh tới Hà Lan. Điểm lại, cho đến giờ chỉ có Văn Lâm là chiếm được vị trí đá chính. Xuân Trường và giờ là Công Phượng đều ngậm ngùi về nước. Văn Hậu vẫn chưa chiếm được vị trí trong đội hình của đội bóng hạng 2 ở Châu Âu như Heerenveen. Sự thành công quả là quá ít ỏi. Nhưng hãy bình tĩnh, chúng ta không thể vụt một bước lên làm người khổng lồ.
Công Phượng, Văn Hậu có thể chưa thành công tại Châu Âu, nhưng sau những chuyến đi dù ngắn ngủi chúng ta có thể thấy cả hai đều đã có những bước trưởng thành nhất định. Phượng từ một cầu thủ khá nhạy cảm với tin đồn trở nên trầm tĩnh hơn. Văn Hậu thì ngày càng mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần. Không thể phủ nhận, so với mặt bằng của bóng đá Châu Âu, chúng ta vẫn còn thua kém một bậc. Nhưng nếu so với chục năm trước, khi Công Vinh chỉ là một cầu thủ học việc ở giải hạng nhì của Bồ Đào Nha dù đang trong giai đoạn rực rỡ nhất của sự nghiệp thì việc Công Phượng hay Văn Hậu được đánh giá là “có thể cạnh tranh” một vị trí chơi bóng tại Bỉ hay Hà Lan cũng đã là một bước tiến lớn.
Với sự yêu mến dành cho các cầu thủ cũng như khát khao vươn tầm cho nền bóng đá nước nhà, chúng ta đều muốn thấy Phượng hay Hậu tung hoành nơi trời Âu như cách các em vẫn làm ở giải khu vực. Nhưng nếu nhìn sang những nền bóng đá có trình độ tương đồng của chúng ta, các cầu thủ nhập tịch của Philippines hay Singapore cũng chỉ chơi bóng ở giải hạng hai Châu Âu hay lẻ loi một vài cầu thủ Thái thành công tại Nhật, chúng ta sẽ thấy những bước tiến của chúng ta cũng không hề nhỏ.
Văn Lâm đang vững vàng tại Thai League cho thấy cầu thủ của ta đủ sức cạnh tranh tại giải đấu hàng đầu khu vực này rồi. Thực tế thì những đội bóng như Hà Nội FC hay Becamex Bình Dương cũng ngang ngửa với các CLB Thai League nếu không muốn nói là có phần trội hơn. Nhưng rõ ràng Châu Âu là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Sự chênh lệch về thể hình thể lực, trình độ phát triển và khác biệt về văn hóa là quá lớn không thể lấp đầy trong một thế hệ. Công Phượng và sắp tới có thể là cả Văn Hậu cũng sẽ trở về nước là có thể hiểu được bởi không ai đi để mãi mòn người trên băng ghế dự bị mãi được. Nhưng quan trọng là sau mỗi bước đi đó, chúng ta có thể nhìn rõ được thêm về bản thân mình.
Lê Công Vinh từng thừa nhận, quá trình tập luyện và thi đấu từ Leixoes sang Consadole Sapporo đã giúp anh có thêm nhiều kiến thức về bóng đá, từ chuyên môn tới quản lý. Tiền đạo Nguyễn Việt Thắng sau vài tháng ăn tập ở Porto B, khi trở về nước đã chia sẻ, anh học được rất nhiều ở đội bóng Bồ Ðào Nha. Ðó không chỉ là các bài học về chuyên môn như kinh nghiệm di chuyển không bóng, tư duy chiến thuật mà còn cả kiến thức bóng đá chuyên nghiệp. Những kinh nghiệm đó đang được sử dụng trong công tác quản lý và đào tạo hiện nay của cả hai. Như vậy, mỗi chuyến đi dù là nhỏ nhất cũng đều đem lại những bài học quý giá.
Những bước đi của Công Phượng hôm nay cũng chỉ là một bước chân nhỏ trong hành trình chinh phục của các cầu thủ bóng đá Việt Nam mà chúng ta sẽ thực hiện trong thời gian tới. Để có hợp đồng 7,5 triệu Bảng của Minamino tới Liverpool hôm nay, hàng trăm cầu thủ Nhật đã trải qua những giai đoạn từ học việc tại Châu Âu trong hàng chục năm trước đó.
Bóng đá Nhật mất hơn chục năm phấn đấu mới vào được World Cup năm 1998 dù vẫn thua liểng xiểng. Đến tận năm 2010 họ mới đàng hoàng lọt vào vòng 2 World Cup khi thi đấu trên sân khách. Đó là nền bóng đá tiệm cận nhất trình độ thế giới mà chúng ta có thể học hỏi hiện tại. Giấc mơ Subasa của người Nhật từ những năm 70 của thế kỷ trước sẽ còn lâu lắm mới tới đích. Vậy thì chúng ta, những người đi sau họ tới hàng chục năm cũng không thể một phát lên giời được.
Công Phượng đã đi để trở về. Đó là khi em mang tất cả những học hỏi của mình truyền đạt cho thế hệ tiếp theo. Martin Lò hay Huỳnh Công Đến đang tiếp những bước đi đó của em khi sang Nhật tìm cơ hội chơi bóng. Sẽ có những cầu thủ nối gót các đàn anh cho những giấc mơ dang dở. Như những bước đi chập chững của cả nền bóng đá Việt Nam ngày đầu hội nhập, chúng ta vẫn mất gần 30 năm mới lên tới đỉnh cao khu vực. Vậy thì đừng buồn rầu hay vội vã, hãy bình tĩnh, kiên trì và tiếp tục thử thách chính mình, đích tới sẽ ở cuối con đường.
Long Win
Bình luận bài viết