Anh Khoa: Hành trình vượt qua chấn thương sau pha đạp gãy chân của Ngọc Hải
Tháng 9/2015, tại V.League, trong trận đấu giữa và Đà Nẵng, tiền vệ Anh Khoa bị Ngọc Hải đạp gãy chân. Anh kể lại: “Sau pha bóng đó, tôi rời sân khi cơ thể còn nóng ran, người vẫn vã mồ hôi. Tôi đi cà nhắc từng bước. Nhưng đến khi về phòng, sau khi tắm xong, tôi mới nhận ra chân trái của mình không còn lết được nữa. Nó bất động, chính xác là thế. Rồi cảm giác đau buốt ớn lạnh xuất hiện. Tôi nhờ bác sĩ kiếm cái nạng. Trong thâm tâm, tôi khao khát được trở về Đà Nẵng ngay lập tức.
Chấn thương ở gối khó nhận diện hơn so với một ca gãy ống đồng, dù bản chất còn kinh khủng gấp nhiều lần. Chính tôi còn không nghĩ mình bị nặng đến vậy. Sau 36 ngày chờ thủ tục và hết dịch, tôi sang Singapore phẫu thuật”.
Pha vào bóng của Ngọc Hải đã lấy đi sự nghiệp cầu thủ của Anh Khoa
Bác sỹ Tan Jee Lim, người phẫu thuật cho Anh Khoa chuẩn đoán anh bị đứt dây chằng chéo trong, dây chằng chéo giữa, dây chằng chéo sau, nứt xương, tổn thương dây chằng chéo trước, rách cơ. Ngày phẫu thuật, anh nhắm nghiền mắt lại. Anh Khoa kể: “Tai tôi chỉ nghe tiếng lộc cộc của bánh xe băng cáng. Người ta bôi một loại nước gì đấy lên chân tôi. Họ hỏi tôi thông qua phiên dịch. Tôi vẫn cứ nhắm mắt, đầu gật gật cho xong chứ không dám nhìn đi đâu cả. Mùi thuốc sát trùng hắc, nồng nặc làm tôi nổi da gà. Họ chụp vào mặt tôi một chiếc mặt nạ. Khói thuốc mê phun ra và phải ở trong hoàn cảnh ấy, khi biết rằng chỉ vài giây nữa mình sẽ ngất đi, bạn mới hiểu cảm giác tử thần đã cận kề là thế nào”.
Anh Khoa ở Singapore 10 ngày. 8 ngày sau phẫu thuật, phòng nghỉ và chờ tái khám theo yêu cầu của bác sỹ. “Tám ngày đó với tôi như bị đi đầy”, Anh Khoa kể. “Tôi phải tự túc mọi việc. Chân hết thuốc giảm đau bắt đầu buốt, chịu không nổi. Tôi phải vác nạng đi từ nơi này sang nơi khác. Lúc đi tắm, tôi phải lấy màng bọc thực phẩm để cuốn hết cái chân trái lại, tránh bị ướt đến vết mổ. Mỗi lần vào phòng tắm là tôi sợ. Bởi lúc đấy tôi phải dùng nạng, chân lại còn yếu. Tôi chỉ sợ mình trượt chân thì không biết thế nào. Đó đúng là những ngày nhớ đời. Tôi không bao giờ quên cảm giác một mình vượt qua nỗi đau ấy”.
Anh tâm sự: “Giá như lúc đó, Việt Nam có những trung tâm phục hồi như bây giờ thì có lẽ, tôi có thể quay lại nghề cầu thủ. Mỗi tháng, tôi phải sang Singapore để bác sỹ Tan chỉnh lại mức tập. Sau sáu tháng, chân của tôi cũng gập được gần như tối đa. Đấy chính là thời điểm mà việc tập phục hồi rất quan trọng. Nhưng tôi phải nói rằng sáu tháng ấy, tôi và Đà Nẵng tốn quá nhiều tiền rồi. Mỗi lần sang Singapore, CLB hỗ trợ tôi từ 30 triệu đến 40 triệu đồng. Chi phí quá cao. Nếu như tôi tập phục hồi bên đó nữa thì miệng ăn núi lở. Tôi cũng ngại lắm. Tôi chưa cống hiến được gì cho CLB, mới lên đội 1 được vài năm. Quả thực, tôi không dám đòi hỏi thêm. Vậy tôi mới nói giá như có một trung tâm như PVF hiện tại ở Việt Nam, mọi thứ đã dễ dàng hơn”.
Anh Khoa tâm sự nốt với báo giới: “Bác sỹ Tan từng gọi điện trách móc tại sao tôi không sang Singapore. Tôi cũng muốn nói là tôi không có tiền. Tôi rất muốn nói như vậy đấy. Nhưng tôi đành phải nói dối rằng tôi có thể chủ động tập được. Từ đó, ông ấy không gọi cho tôi nữa mà chỉ hỏi thăm qua chị phiên dịch.
Anh Khoa kể về hành trình vượt qua chấn thương kinh hoàng
Tôi tập ở phòng gym tại Đà Nẵng. Giáo án phục hồi cũng chẳng có, toàn là tôi tự biên tự diễn. Tôi tự tập bằng kinh nghiệm đã mổ gối trước đây. Giờ nghĩ lại mới thấy mình dại, không hiểu biết và sai lầm tới mức nào. Những bài tập mà tôi cho đó là kinh nghiệm chỉ áp dụng với trường hợp đứt duy nhất dây chằng chéo trước. Còn tôi bị đứt tới bốn loại dây, cần nhiều bài tập khác nhau bổ trợ. Tôi hiểu rằng nếu muốn trở lại đỉnh cao thì mất nhiều tiền cũng phải chịu. Nhưng ngộ nhỡ, mất nhiều tiền mà tôi vẫn không quay lại được thì ai cho mình lại số tiền đấy?”
13 tháng sau phẫu thuật, Anh Khoa trở lại các buổi tập của Đà Nẵng. Mấy ngày đầu tiên, Anh Khoa thấy ổn. Nhưng khoảng một tuần sau, chân của anh tràn dịch. Anh xin nghỉ hai ngày, cho chân lành hẳn mới tập tiếp. Nhưng cứ tập được một chút thì gối tràn dịch. Nghỉ hai ngày – tập một ngày - nghỉ hai ngày, vòng tuần hoàn ấy lặp đi lặp lại khiến anh hiểu rằng mình không thể thi đấu đỉnh cao được nữa. Buồn lắm nhưng anh đành xin thầy Đức cho nghỉ hẳn về học công tác huấn luyện.