Bạn muốn tắt quảng cáo?

Bóng đá Đức: Sức mạnh đến từ bên trong

Thứ Ba, ngày 31/07/2018 - 07:13
5/5 của 1 đánh giá

Ngay cả khi Đức bị loại ngay từ vòng bảng World Cup 2018, vẫn không thể phủ nhận rằng mô hình bóng đá Đức vẫn vô cùng đáng ngưỡng mộ.

Trận mở màn của 3.Liga, giải đấu đứng thứ 3 trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của nước Đức đã chứng kiến số khán giả kỷ lục: 41.324 người. Đó là cuộc tranh tài giữa Kaiserslautern và 1860 Munich. Vâng, hãy nhìn vào những con số. Giải hạng 3 (tương đương với Seria C của Ý và Giải hạng Nhì của Anh). Và hơn 41.000 người.

Nếu ngay lúc này bạn nghĩ đến những sân vận động sập xệ cũ mèm của Italia, nơi mà Ronaldo sẽ phải chạy mỗi cuối tuần trong mùa giải tới. Những khán đài trống vắng của La Liga, nơi tôn vinh Messi. Cùng với những sân bóng tí hon chỉ có khoảng 2 vạn chỗ ngồi vẫn xuất hiện mỗi cuối tuần ở ngay giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất hành tinh là Premier League. Bạn sẽ thấy những con số tôi vừa nói đến khủng khiếp như thế nào.

Trận đấu thuộc giải hạng 3 của Đức cũng đầy ắp khán giả

Bóng đá Đức vừa trải qua thất bại cay đắng nhất trong lịch sử của mình khi lần đầu tiên bị loại ngay tại vòng bảng của một VCK World Cup. Nhiều vấn đề sau đó đã được mổ xẻ. Nhưng có một thực tế, bất chấp thất bại này, sự thành công của mô hình bóng đá Đức vẫn vô cùng đáng ngưỡng mộ.

Không có nền bóng đá nào trên thế giới duy trì được sức mạnh một cách đều đặn và liên tục như bóng đá Đức trong lịch sử. Ngoại trừ hai lần vắng mặt vì lý do chính trị, họ luôn có mặt tại tất cả các vòng chung kết World Cup và đạt thành tích cao. EURO cũng là sân chơi người Đức dẫn đầu. Ở cấp CLB, tuy không phải là giải đấu số một, nhưng chưa bao giờ Bundesliga tụt hậu quá xa so với các giải đấu khác.

Bóng đá Đức chưa bao giờ thiếu đi sức mạnh. Đó là sức mạnh của sự liên tục đến từ hệ thống, với những cầu thủ, huấn luyện viên và cả người hâm mộ. Đó là một chuỗi chính sách, đầu tư và đào tạo có tính kế thừa và phát triển.

Trong những năm qua, người ta bình luận nhiều về đào tạo trẻ. Với nhiều người, họ tưởng rằng chỉ từ sau năm 2000 bóng đá Đức mới bắt đầu đào tạo trẻ. Nhưng ko phải. Người Đức đã đầu tư cho bóng đá từ lâu. Hàng năm chính phủ Đức đều có ngân sách riêng cấp cho liên đoàn bóng đá để phục vụ đào tạo trẻ. Một tư duy hiếm gặp ở cấp độ cao nhất tại một quốc gia đó là việc đào tạo của bóng đá gắn liền với giáo dục. Ở đó, bóng đá trẻ không chỉ nhắm đến cầu thủ trẻ, bóng đá trẻ chính là đào tạo con người.

Một cầu thủ trẻ luôn được gắn với một người giám hộ. Công tác đào tạo toàn diện và khoa học khiến cho cầu thủ Đức không chỉ thành công trên sân cỏ mà còn tiến tới rất xa trong cuộc sống. Không có nền bóng đá nào mà các cầu thủ sau khi giải nghệ duy trì được những công việc ở tầm lãnh đạo và quản lý nhiều như trong bóng đá Đức. Các cầu thủ Đức cũng thường tránh xa được với những scandal hơn hẳn những đồng nghiệp khác của mình.

Sự thay đổi bước ngoặt mà chúng ta nói đến về chính sách đào tạo bóng đá trẻ của Đức những năm 2000 chủ yếu đến từ một triết lý mới. Sau những thất bại ở cấp độ đội tuyển, người Đức nhận ra ngoài ý chí, sức mạnh và kỷ luật họ thấy cần những cầu thủ có kỹ thuật, sáng tạo hơn. Hiện nay, một thế hệ cầu thủ mới còn được đào tạo dựa trên công nghệ. Ngoài những máy móc thống kê, công nghệ về y sinh học đã được áp dụng mạnh mẽ.

Với người Đức, họ làm bóng đá không chỉ vì danh hiệu. Bóng đá cần mang lại lợi nhuận. Các CLB hàng năm đóng thuế hơn 1 tỷ euro và liên tục tăng trong 10 năm qua. Các CLB bóng đá Đức cũng tạo ra hơn nửa triệu lao động thường xuyên. Khi một trận đấu diễn ra, hàng nghìn người phục vụ trên sân. Hàng chục nghìn người khác được giải trí và tiêu tiền. Giá vé vào sân rẻ, chính sách gắn bó ưu tiên cho những cổ động viên trung thành và cổ động viên nhí khiến cho các SVĐ luôn được lấp đầy. Bundesliga nhiều năm liền là giải đấu có số khán giả trung bình vượt trội so với các giải đấu khác.

Không chỉ đào tạo cầu thủ, các HLV Đức cũng được đào tạo bài bản. Một thế hệ HLV mới như Nagelsmann lần đầu xuất hiện ở Bundesliga khi mới 28 tuổi hay Hannes Wolf của Stuttgart năm nay cũng mới 36 tuổi nhưng đều đã thể hiện được tài năng. Bundesliga cũng đầy rẫy những nhà cầm quân chỉ mới trên dưới 40 tuổi đầu khác xa với hình ảnh gìa nua trên băng ghế chỉ đạo ở các giải đấu hàng đầu khác. Trong khi đó những Jurgen Klopp, Thomas Tuchel đang là những HLV được săn đón nhất thế giới.

Nagelsmann tiêu biểu cho lứa HLV trẻ tài ba của Đức

Ở cấp độ quản lý, như đã nói, các cầu thủ sau khi ngừng chơi bóng với nền tảng tốt luôn được ưu tiên những vị trí quản lý. Điều này làm cho các đội bóng giữ được bản sắc. Sự khôn ngoan và đầu tư có chiều sâu khiến cho các CLB Đức có được nền tài chính lành mạnh.

Bất chấp đạo luật 51% khiến các CLB Đức giảm tính cạnh tranh trong thời đại kim tiền hiện nay nhưng nó sẽ vẫn bảo vệ sự gắn kết của các CLB với cộng đồng. Trong khi các CLB hàng đầu ở Anh hay Pháp đang sống bằng tiền của những ông chủ thì các CLB Đức sống khỏe với CĐV của mình. Những con số thống kê rõ ràng cho thấy sức khỏe của nền bóng đá Đức là tốt hơn rất nhiều so với các nền bóng đá khác nói chung. Tuy nhiên sau sự thất bại của các CLB ở cúp Châu Âu trong vài năm qua cũng như sự thất bại của đội tuyển Đức tại World Cup vừa qua, chắc chắn người Đức sẽ nhìn lại. Họ sẽ không ngủ quên trên chiến thắng.

Còn ngay bây giờ, hãy ngưỡng mộ họ. Một thế lực thực sự lớn mạnh đến từ những sân bóng xa xôi nhất.

Long Win

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT

Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Thêm tin tức
Bạn muốn tắt quảng cáo?