Bạn muốn tắt quảng cáo?

Công Phượng- Hành trình của một tài năng (P.2)

Thứ Năm, ngày 18/07/2019 - 16:24
5/5 của 1 đánh giá

K. Sint-Truidense đã là câu lạc bộ thứ tư trong sự nghiệp của Công Phượng, và nếu tính riêng những chuyến xuất ngoại, đội bóng của Bỉ đã là lần thứ ba Công Phượng được ra nước ngoài chơi bóng. Nhưng liệu, chuyến đi này có đem lại một kết quả khác hay là nó lại lăn vào vết xe đổ của hai lần xuất ngoại trước đây.

Tham khảo thêm:

Từ ngôi sao hạng A xuống thành một chân sai vặt tại Nhật Bản

Lần đầu tiên mà Công Phượng xuất ngoại là đã cách đây gần tròn 3 năm, và đó tựu chung lại, đó là một chuyến đi thất bại về chuyên môn. Anh không thật sự có cơ hội được chơi cho đội một Mito Hollyhock, một đội bóng không quá lớn của giải J-League. Nhưng tệ hại hơn chính là việc, Công Phượng bị đối xử không khác gì một tay sai vặt. Anh phải dọn vệ sinh, phải đi phát tờ rơi, và gần như bị gạt hoàn toàn khỏi các kế hoạch có liên quan đến chuyên môn thi đấu.

Công Phượng phải làm những công việc vặt ở câu lạc bộ Mito Hollyhock

Theo Phượng, anh đã học được vài điều từ chuyến xuất ngoại đến với xứ Phù Tang, song, đó có lẽ là một câu nói đầy tính xã giao và có phần lịch sự từ phía Công Phượng. Bản thân chàng tiền đạo sinh năm 1995 cũng khá ngại phải chỉ trích thẳng mặt cách làm việc có phần mọi rợ của Hollyhock trước cánh truyền thông.

Họ đem về một ngôi sao hạng A, nhưng nhìn cách làm việc của họ xem, còn thua cả cách Mourinho đối xử với Kevin De Bruyne. Ít ra Mourinho còn dám gọi De Bruyne lên thẳng văn phòng để giải trình lí do xếp anh ta trên ghế dự bị. “Nè, nhìn thử con số của cậu nè. 1 bàn thắng, 0 kiến tạo, và 10 chấn thương. Giờ tôi mà có bán Mata thì cậu cũng chỉ có lên thành dự bị thứ năm thôi. Hiểu chưa? Làm sao tôi cho cậu đá chính được.” Mourinho nói với De Bruyne trước khi bán tiền vệ người Bỉ sang Wolfsburg.

Dẫu cho quyết định của Mourinho có là sai lầm, thì hãy nhìn xem, ông ta đã có cách ứng xử rất đàn ông. Rất thẳng thắn và không chút lấp liếm! Còn huấn luyện viên của Hollyhock chỉ biết lặng như hến mỗi khi được hỏi về vị trí của Công Phượng tại đội một của Hollyhock. Ông ta đã bỏ qua Công Phượng trong các kế hoạch chuyên môn mà chẳng cần một lời giải thích.

Hồi hương trong hồ nghi và áp lực của truyền thông “bẩn”

Một trong những điều mà giới truyền thông Việt Nam khá thích làm với Công Phượng đó là tìm lí do mà hạ bệ chàng tiền đạo quê Đô Lương, Nghệ An. Họ lại bắt đầu lôi chuyện quảng cáo bia của Công Phượng ra để khai thác. Song, mọi thứ chưa dừng hẳn tại đó. Chuyện Công Phượng có tình cảm với một cô ca sĩ cùng tuổi cũng bị giới truyền thông lôi ra phân tích. Họ ép Công Phượng gần như đến sự giới hạn của chịu đựng. Chẳng phải chuyến đi Nhật Bản thất bại là quá đau đớn rồi sao?

Tiền đạo ngôi sao của ĐTVN liên tục bị truyền thông bới móc chuyện tình cảm cá nhân

Công Phượng đã dành hết tâm huyết và kì vọng của bản thân vào chuyến xuất ngoại kia, nhưng anh đâu ngờ rằng xứ sở mặt trời mọc lại không phải mảnh đất lành cho bản thân anh. Họ đã hứa hẹn nhiều thứ, và thứ họ trả cho anh là những sự hụt hẫng. Họ coi anh như một nhân viên thay vì một cầu thủ. Trong cơn bĩ cực, anh không những chẳng được cảm thông mà còn bị công kích. Facebook, báo chí, thậm chí là cả Youtube, tất cả những phương tiện truyền thông phổ biến nhất đều có những sản phẩm công kích Công Phượng. Họ dè bỉu luôn cả bầu Đức bằng biệt danh Đức “nổ”.

 Với Công Phượng, ông Đoàn Nguyên Đức như một đấng tái sinh, một người đã cho anh cơ hội được chơi bóng. Nói một cách dân dã, ông Đức với Phượng như cha con một nhà. Vậy mà giờ, đến ngay cả thất bại của Phượng cũng làm cho ông Đức bị mắng lây.

 Liệu sau ba năm, mọi thứ có thay đổi?

Trước khi đến với nước Bỉ, Công Phượng đã đến chơi tại Hàn Quốc một thời gian, nhưng trong khuôn khổ của bài viết này, hãy đạt kết quả của chuyến đi Hàn Quốc sang một bên. Hãy tập trung vào cách mà Công Phượng đã đến Bỉ. Sau ba năm, kí ức về chuyến đi Nhật thất bại có lẽ đã phần nào bớt đau đớn, song, nó cũng để lại cho tiền đạo của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai một bài học về cách chuẩn bị và thích ứng cùng cuộc sống ở nước ngoài. Trước khi đến với một đất nước lạ, hãy chuẩn bị cho bản thân vốn ngoại ngữ đủ chắc, và trong chuyến đi đến Vương Quốc Bỉ lần này, Công Phượng hình như đã rút tỉa được bài học kia.

 Anh có sẵn một vốn tiếng Anh và tiếng Pháp ở mức cơ bản, những ngôn ngữ thường được dùng tại Bỉ, một quốc gia hiếm hoi trên thế giới không thực sự có 1 thứ ngôn ngữ chuẩn cho mọi công dân. Người Bỉ nói được cả tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hà Lan, và cả tiếng Anh, với Phượng, chuyện giao tiếp được bằng tiếng Anh và tiếng Pháp đã là một lợi thế. Ít ra, anh sẽ dễ dàng kết thân với các đồng đội mới. Thời còn đá ở Hàn Quốc, Công Phượng chỉ thân được với mỗi anh bạn chung phòng, trung vệ Kim Jeung-ho, một người trẻ và có vốn tiếng Anh đủ dùng hiếm hoi ở Incheon United.

Chuyến đi sang Bỉ lần này của Công Phượng dự kiến sẽ thành công hơn

 Ngoài vấn đề ngôn ngữ, Công Phượng đã chuẩn bị sẵn tâm lý rằng bóng đá châu Âu sẽ sở hữu tốc độ chơi rất cao, một thứ khá giống những thứ đã diễn ra ở Hàn Quốc. May cho Công Phượng, việc đã có bước đệm là Nhật Bản và Hàn Quốc phần nào giúp anh có sẵn tâm lý chơi bóng rất châu Âu.

Dù chưa thể nhận định trước được bất cứ điều gì, nhưng chuyến đi của Công Phượng lần này sẽ có chút gì đó hi vọng. Chí ít, nó mang theo một chút dự cảm tươi sáng cho thì tương lai. Bóng đá Việt Nam đang chuyển mình, và những chuyến đi của Công Phượng là biểu hiện rõ nhất cho điều đó.

Công Phượng là lá cờ đầu cho một sự thay đổi lớn của Bóng đá Việt Nam

Rằng bây giờ, cầu thủ Việt Nam sẽ muốn hướng tới châu Âu thay vì quanh quẩn ở khu vực Đông Nam Á. Rằng bây giờ, cầu thủ Việt Nam sẽ muốn bay cao. Chuyến hành trình của Công Phượng sẽ còn nhiều thứ để kể, nhưng tạm thời, hãy dừng nó ở đây. Dừng lại ở chuyến đi tới Vương Quốc Bỉ. 

Sự nghiệp của Phượng là một hành trình rất dài, một chuyến hành trình sẽ còn nhiều điều để kể… 

Khương Teddy

 

 

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT

Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Thêm tin tức
Bạn muốn tắt quảng cáo?