Bi kịch bóng đá trẻ khiến tuyển thủ U18 Việt Nam phải đi chạy xe ôm

Thứ Năm, ngày 10/09/2020 - 16:22
2.8 /5 của 5 đánh giá

Từng được triệu tập lên đội tuyển U18 Việt Nam cách đây 3 năm về trước nhưng hiện tại, Phan Bá Hoàng đã từ bỏ sự nghiệp cầu thủ bóng đá để đi làm xe ôm công nghệ. Bi kịch từ những thủ tục và cạm bẫy trong hợp đồng dẫn anh đến một số phận khác…

Phan Bá Hoàng không phải là một cầu thủ may mắn, chí ít là nếu so với lứa cầu thủ cùng thời như Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Hồng Sơn… Đấy là chưa nói đến lứa đàn anh thành công rực rỡ của những Quang Hải, Tiến Dũng, Đức Chinh. Nói là không may bởi thay vì vẫn có thể chạy theo trái bóng trên sân cỏ, Bá Hoàng đang phải bươn trải với nghề xe ôm công nghệ. Ngày ngày rong ruổi với việc giao hàng đến từng nhà, từng phố…

Bá Hoàng kể trên Cầu thủ: “Nghề này dễ mà anh, học 1 ngày là xong, chỉ cần sức khỏe thôi. Ngày trước mình đá bóng cũng chạy ngoài nắng, chạy tìm bóng, tìm vị trí tốt rồi, tìm cơ hội, đường vào khung thành,… Đá bóng với chạy xe ôm không khác nhau là mấy?”. Vậy là công việc ấy cũng đã chấm dứt 10 năm theo đuổi bóng đá của chàng trai người Nghệ An.

Bởi lẽ, anh từng có thời gian học bóng đá ở trung tâm PVF từ năm 2010, từng là cầu thủ đầu tiên được đôn lên thi đấu đội khóa trên, gặt hái được những thành tích: 1 HCV giải U13 Quốc gia; 3 HCB các giải U15, 17, 19 Quốc gia; 1 HCV trong màu U19 Việt Nam tại giải U19 Quốc tế 2017; và từng được gọi lên tuyển U18 Việt Nam chuẩn bị cho giải U18 Đông Nam Á 2017 diễn ra ở Myanmar.

Bá Hoàng từng được gọi lên ĐT U18 Việt Nam

Bi kịch ấy đến từ đâu? Phan Bá Hoàng dành vài giây ngẫm lại bản thân: “Năm 2019 tôi được gọi về lại đội bóng chủ quản mà từ văn phòng, ban huấn luyện, cầu thủ già, cầu thủ trẻ,… chẳng ai biết tôi là ai, là “quân” của ông nào. Tôi hiểu mình cần dây dựa để tạo cái trụ vững chắc. Nhưng có lẽ tính tôi không phù hợp kéo dây này nọ rồi”.

Cảm giác lẻ loi nhanh chóng được đẩy lên thành sự tự ti ở thời điểm chàng trai tròn 20 tuổi. Ngày đi, đi cùng cả đội, còn ngày về mỗi mình không có vé cũng vì lý do “không biết nó là thằng của ai”.

Anh chia sẻ: “Đi đá bóng mà đôi lúc tôi cảm thấy mình như một thằng “tứ cố vô thân”. Lúc tôi chấn thương không thể tập và còn lý do chưa đóng góp gì cho đội, một HLV kêu tôi lựa chọn giảm lương hoặc thanh lý. Cũng chẳng phải lần đầu tôi được nhận lời đề nghị rất khó hiểu như thế. Tôi đã chọn thanh lý. Có lẽ mình hết duyên với bóng đá thật rồi”.

Nhắc lại câu chuyện bóng đá, nhất là những rắc rối như thế nào đã khiến một cầu thủ trẻ xuất thân từ lò đào tạo trứ danh và được đầu tư “khủng” nhất Việt Nam, vừa mới chập chững vào nghề đã chóng nhận ra, bóng đá chuyên nghiệp không phải như giấc mơ thuở bé, chỉ cần được ra sân là thỏa đam mê.

Bá Hoàng gặp nhiều trắc trở trong con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp

Mọi vấn đề chủ yếu xuất phát từ điểm đến của các học viên sau tốt nghiệp. Mấu chốt được người trong cuộc chỉ thẳng, các đội bóng dù không phải bỏ ra một xu nào, được bổ sung “free” tài năng trẻ nhưng vẫn muốn thực hiện một bản hợp đồng ràng buộc cái gọi là “công đào tạo trẻ”. Hơn thế nữa, sự khắc nghiệt đã được nhắc đến nhiều nhưng mãi vẫn chưa có hướng giải quyết trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nằm ở khâu đàm phán hợp đồng. “Bút sa là gà chết”. 

“Đến cả bây giờ đưa ra lại những bản hợp đồng, tôi đọc cả ngày có khi còn chẳng hiểu hết được những lộn xộn trong đó. Mình thấy nhiều chỗ có vẻ sai sai đó, mặt trên của người này, mặt dưới của người khác,… nhưng chẳng thể nói thẳng được. Chỉ ra chỗ sai không khéo là mình sai luôn và người ta có cớ nói lại”.

Phan Bá Hoàng nhớ lại. “Khi đó tôi mới 18 tuổi, vào phòng để ký hợp đồng nói chuyện với 2 người. Mình chỉ biết dạ, vâng chứ có dám hó hé gì đâu. Thấy vậy người ta kêu, thôi cứ ký đi, vài bữa ký lại sau. Vậy là sau đó tôi còn chẳng nhớ thời điểm mình ký hợp đồng lúc nào. Phải như có luật sư ngồi cạnh giải thích cho mình rõ”.

Hoàng chán bóng đá. Thật sự. Hoàng bày tỏ: “Tôi vẫn còn thích đá bóng chứ anh. Chỉ khác là giờ tôi chọn cuộc sống, còn đam mê duy trì thôi là được rồi. Mình cần nghĩ lâu dài hơn cho cuộc sống của bản thân, gia đình. Giờ công việc có mệt mỏi đến mấy, tôi vẫn thấy vui hơn khi còn theo bóng đá chuyên nghiệp”.

Nhật Anh

Bình luận bài viết