V-League 2020 được và mất gì nếu đá mà không có đội xuống hạng?
SLNA là một trong số 4 CLB đề xuất V-League 2020 không có đội xuống hạng. Điều này khiến nhiều người nghi ngại đến sự hấp dẫn của giải nhưng cũng là điều kiện thuận lợi giúp các CLB nhỏ củng cố lực lượng và giảm áp lực tài chính.
Trong cuộc họp trực tuyến do VPF tổ chức diễn ra vào sáng ngày 31/3 với sự góp mặt của 13/14 CLB V-League, và ý kiến này nhận được sự đồng tình của 3 CLB khác bao gồm SHB Đà Nẵng, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Dược Nam Hà Nam Định.
Chắc chắn đề xuất này của các đội bóng sẽ khiến VPF và VFF phải lưu tâm khi giải đấu sẽ nhận được những điểm tích cực cũng như tiêu cực nếu áp dụng.
Các đội bóng nhỏ sẽ có cơ hội củng cố lực lượng và giảm áp lực tài chính
Về mặt tích cực, việc tiếp tục đá V-League mà áp dụng không có đội xuống hạng sẽ giúp các đội bóng nhỏ không còn chịu áp lực về thành tích. Trong số 4 CLB đề xuất ý tưởng này thì có 3 đội nằm trong nhóm xuống hạng bao gồm Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, SHB Đà Nẵng và Dược Nam Hà Nam Định.
Trong khi đó SLNA đứng ở vị trí thứ 6, thuộc nhóm thực lực yếu ở V-League năm nay vì mất nhiều trụ cột quan trọng ở mùa này.
Việc thi đấu mà không có đội xuống hạng sẽ giúp những đội bóng kể trên có thể yên tâm thi đấu và củng cố lực lượng. Họ không phải lo lắng chuyện thành tích và sẽ cởi mở hơn với các phương án thi đấu mới mà VPF sẽ công bố vào thời gian tới nếu Covid-19 có dấu hiệu hạ nhiệt.
>>> Xem thêm:
Các CLB sẽ có cơ hội sử dụng nhiều cầu thủ trẻ hơn. Những cầu thủ vốn không được thi đấu vì áp lực thành tích nay sẽ có cơ hội vào sân. Đây sẽ là dịp may hiếm có cho nhiều đội bóng có nhân sự trẻ như Hà Tĩnh, Nam Định, Viettel hay HAGL.
Biết đâu những nhân tố trẻ sẽ là những phát hiện mới, đóng góp nhân sự mới cho các đội tuyển quốc gia – điều mà huấn luyện viên Park Hang Seo đang trăn trở trong nhiều tháng qua.
Ngoài ra, việc áp dụng đá V-League 2020 không có đội xuống hạng sẽ giúp các đội bóng có tiềm lực tài chính yếu giảm bớt được gánh nặng về khoản lương cho các ngoại binh và cầu thủ nhập tịch. Không chỉ ở 4 đội bóng vừa kể trên mà còn nhiều CLB ở V-League đang chịu áp lực trả lương cho các ngoại binh vì họ luôn được coi là nguồn nhân lực quan trọng ở các đội bóng nhỏ.
Khi không còn mục tiêu trụ hạng sẽ giúp các đội bóng cắt giảm hoặc chấm dứt hợp đồng với ngoại binh. Và một khoản tiền rất lớn sẽ được tiết kiệm thay vì trả cho các ngoại binh vì mục tiêu trụ hạng.
Trung bình mỗi ngoại binh sẽ nhận mức lương trung bình khoảng 5.000 USD/tháng, tương đương với hơn 100 triệu/1 tháng. Với việc cắt giảm các ngoại binh sẽ giúp đội bóng có thể tiết kiệm được đến gần 500 triệu đồng mỗi tháng bao gồm 3 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch. Và nếu tiếp tục nhân lên với cả mùa giải đó sẽ là khoản tiền rất lớn với những đội bóng nhỏ ở V-League.
Câu hỏi về sự hấp dẫn của giải đấu nếu V-League đá không có đội xuống hạng?
Tài chính của những CLB càng trở nên khó khăn khi các hoạt động của đội bóng phải ngừng trệ vì dịch Covid-19, trong khi đó họ vẫn phải trả lương đều cho các ngoại binh. Đó là chưa kể tiền sinh hoạt, ăn uống của cầu thủ vẫn phải được duy trì. Trong trường hợp Covid-19 có đi qua thì tàn dư của nó vẫn ảnh hưởng rất nhiều tới túi tiền của các CLB.
Với những đội bóng lớn như CLB Hà Nội hay TP. HCM, với nguồn tài chính dồi dào không có gì khó khăn với nhưng với những đội bóng nhỏ thậm chí họ còn phải đối mặt với nguy cơ phá sản vì ảnh hưởng của dịch bệnh là quá lớn.
Vậy nên việc cắt giảm hay chấm dứt hợp đồng với các ngoại binh sẽ là ưu tiên số một nếu V-League tiếp tục đá mà không có đội xuống hạng.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại việc giải đấu không có đội xuống hạng chắc chắn sẽ bớt hấp dẫn đi rất nhiều. V-League 2020 sẽ khó thu hút người hâm mộ, có nguy cơ khiến các trận đấu và cả mùa giải trở nên kém hấp dẫn. Và khi chất lượng các trận đấu đi xuống, người bị ảnh hưởng đầu tiên sẽ là các đội bóng.
Phong Trần
Bình luận bài viết