Bạn muốn tắt quảng cáo?

Bóng đá Việt Nam và bàn thua trước người Thái

Thứ Năm, ngày 17/09/2020 - 14:06
3.9/5 của 5 đánh giá
Một thông tin được đăng tải chính thức trên trang chủ của một đội bóng Thái Lan ngày hôm qua có thể không được nhiều người chú ý. Nhưng đó là một bàn thua rõ ràng với những người làm bóng đá Việt Nam.

Chiangrai United là cái tên lạ lẫm với phần lớn những người yêu bóng đá Việt, nhưng thực tế đây mới đang là đội nắm giữ chiếc cúp của Thai League 1 ở thời điểm hiện tại. Mùa bóng 2019, đội bóng có biệt danh The Beetles (con bọ) này chính là những nhà vô địch của giải đấu cao nhất Thái Lan. Chúng ta không cảm thấy Chiangrai quen thuộc vì chưa từng có cầu thủ Việt nào chơi bóng tại đây, đội bóng này cũng mới thành lập từ năm 2009 và mới chỉ nổi lên trong vài năm qua. Chức vô địch năm 2019 cũng là danh hiệu đầu tiên của đội bóng này ở Thai League. Tuy nhiên, đây thực sự là một thế lực của bóng đá Thái Lan. 

Điều đáng chú ý nhất ở Chiangrai thời điểm này, khi mà Thai League 2020 đã bị dừng lại là: họ vừa nhận được một bản hợp đồng tài trợ rất lớn từ một thương hiệu Việt, đó là hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vietjet Air. Hiện chưa rõ bản hợp đồng của Vietjet với nhà ĐKVĐ Thai League có giá trị bao nhiêu, nhưng chắc chắn nó sẽ lớn hơn tất cả những bản hợp đồng mà các đội bóng trong nước đang sở hữu. 

Việc hình ảnh của hãng hàng không thành công nhất Việt Nam gắn với áo đấu của  Chiangrai United cho thấy các CLB Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà về khoản kêu gọi tài trợ. Trong khi các đội bóng trong nước chật vật tìm kiếm nguồn thu thì một thương hiệu lớn của chúng ta lại tự đi tìm tới một đội bóng nước ngoài là một thực tế đáng buồn. Chúng ta phải hiểu, với một doanh nghiệp như Vietjet, họ sẽ phải cân nhắc tính toán để khi bỏ tiền ra như thế nào cho có lợi nhất.

Áo đấu của đội bóng Thái Lan có nhà tài trợ Việt 

Chiangrai có thể coi là đội bóng mạnh nhất Thái Lan và thậm chí là Đông Nam Á thời điểm này, họ có vé trực tiếp tham dự vòng bảng AFC Champions League và ASEAN Club Championship chứ không như Hà Nội, nhà vô địch Việt Nam thậm chí còn không được đá vòng play off giải đấu châu lục năm nay vì không đảm bảo các quy định đào tạo trẻ của AFC. Điều đó giúp cho giá trị thương hiệu của Chiangrai rõ ràng là lớn hơn hẳn các CLB của Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Do đó, việc Vietjet đổ tiền cho họ là một thương vụ mà họ sẽ thấy có lợi hơn.

Nên nhớ, Vietjet cũng chỉ là một trong 19 nhà tài trợ của Chiangrai ở thời điểm hiện tại. Và theo thông tin từ phía báo chí Thái Lan thì con số này còn thua xa so với Buriam United, đội bóng nổi tiếng thành công nhất của Thái Lan với 29 thương hiệu đồng hành. Con số này quá chênh lệch so với 6 cái tên xuất hiện nên cạnh logo của CLB Hà Nội, đội bóng thành công nhất Việt Nam trong 1 thập kỷ qua. Dĩ nhiên, chứa thể so sánh giá trị tài trợ của những Vinawind, Opal, Kappa hay Nutricare so với bản hợp đồng "quốc tế" đến từ Vietjet, Sơn Toa, Puma hay AIA hoặc Singha. Chính nhờ những nhà tài trợ này mà các đội bóng Thái đã rủng rỉnh tiền bạc hơn để mua sắm nâng cao chất lượng cầu thủ. Sự thành công của Thai League vì thế cũng không tự nhiên mà đến. 

Như Chiangrai, ngoài vài tuyển thủ quốc gia trong đội hình, những ngoại binh của họ đều đến từ Brazil, là những bản hợp đồng chất lượng và có giá trị hơn so với những ông "Tây đen" đang làm mưa làm gió ở V League. Các đội bóng Thái, hướng đến những ngoại binh có trình độ kỹ chiến thuật tốt, từ những nền bóng đá phát triển hơn nên đã giúp nâng tầm giải đấu. Các trận đấu của Thai League vì thế cũng giàu tính giải trí, hấp dẫn hơn trong mắt người hâm mộ. Đây là điều trái ngược với V League, nơi mà nhiều đội bóng vẫn bám lấy lối chơi "dựa vào Tây", triển khai bóng dài để tận dụng sức mạnh của những cầu thủ gốc Phi. Có lẽ ngoại trừ Hà Nội FC, khó có thể nói còn đội bóng nào ở Việt Nam triển khai được lối đá có bản đắc rõ ràng và hấp dẫn người hâm mộ ở thời điểm hiện tại. 

Đây rõ ràng là bàn thua với bóng đá Việt Nam 

Thêm vào đó, có thể nói công ty tổ chức Thai League đã làm tốt hơn VPF trong việc tổ chức giải đấu của mình. Những "phốt" cả về chuyên môn lẫn công tác tổ chức trong vài năm qua ở V League là điều khá bình thường đến mức nhiều lúc khán giả đã "chán" giải đấu. May mà thành công của lứa U23 năm 2018 đã phần nào kéo lại sức hút của giải đấu nhưng kể cả như vậy thì những vấn đề vẫn xảy ra làm xấu hình ảnh của V League trong mắt người hâm mộ và dĩ nhiên là cả các nhà tài trợ. Chẳng nói đâu xa, năm 2017 sau 3 năm tài trợ cho V League, hãng xe hơi Nhật Toyota đã bỏ giải đấu của chúng ta để chuyển sang tăng tiền tài trợ cho Thai League. Việc Vietjet bỏ các CLB Việt để sang tài trợ cho một đội bóng Thái cũng đi theo xu hướng này khi họ cần tìm một môi trường đầu tư tốt hơn.

Thua ngay trên sân nhà, đó là một bàn thua đau, nhưng nếu ngay lúc này những người làm bóng đá Việt nhìn nhận lại vấn đề, họ sẽ biết cần phải làm gì để thay đổi. Chẳng cần phải nhìn đâu xa hãy nhìn sang Thai League, bao giờ chúng ta làm được một giải đấu như thế đã thì mới có thể thực sự yên tâm về cái nền của bóng đá nước nhà.

Long Win

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT

Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Thêm tin tức
Bạn muốn tắt quảng cáo?