Giờ là thời điểm để bóng đá Việt Nam thay đổi
Trong thông báo mới nhất của Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT), họ sẽ quyết định thay đổi lịch hoàn toàn lịch thi đấu của Thai League từ tháng 2 tới tháng 10 thành từ tháng 11 tới tháng 5 năm sau. Điều này dẫn đến khả năng ĐTQG Thái sẽ không tham dự AFF 2020 nếu giải đấu vẫn diễn ra vào cuối năm nay. Thông báo này chưa khẳng định sự thay đổi này sẽ chỉ diễn ra trong một mùa bóng năm nay hay sẽ là sự thay đổi hoàn toàn. Nhưng rõ ràng nó đem đến rất nhiều suy nghĩ.
Chúng ta đều biết, mùa bóng vắt từ năm này qua năm khác là đặc điểm của bóng đá Châu Âu, nơi mà mùa Hè luôn được ưu tiên cho những giải đấu của các ĐTQG. Chính điều này đã khiến cho lịch thi đấu của FIFA cũng được sắp xếp theo hướng phù hợp nhất với các CLB Châu Âu. Do đó, những “ngày FIFA” mà theo quy định các CLB bắt buộc phải nhả cầu thủ về cho ĐTQG cũng thường được tính toán để tránh đi lịch thi đấu của bóng đá Châu Âu chứ không phải bóng đá Châu Á. Chính vì thế mới có chuyện một vài cầu thủ bóng đá của các châu lục khác gặp khó khăn khi trở về thi đấu các giải đấu khu vực hay châu lục giữa mùa giải Châu Âu đang căng thẳng.
Trước đây, khi nền bóng đá của chúng ta còn kém phát triển, thiếu sự tương tác với bóng đá thế giới thì việc này gần như không ảnh hưởng lắm tới chúng ta. Nhưng ngay đầu năm nay, việc không thể về dự giải U23 Châu Á đã tác động mạnh đến cả thành tích chung của bóng đá nước nhà. Và tới cuối năm nay nữa, viễn cảnh về việc Văn Lâm có thể vắng mặt tại AFF Cup cũng hoàn toàn có thể xảy ra nếu như CLB chủ quản của anh là Muangthong Utd không đồng ý nhả người.
Văn Lâm có thể sẽ không thể trở lại ĐTQG Việt Nam tại AFF Cup 2020
Thai League mùa bóng này đã chắc chắn được lùi lại từ tháng 9 tới, nghĩa là tháng 11 khi AFF diễn ra ĐTQG Thái nếu có tham dự cũng sẽ không thể tập hợp được những cầu thủ chất lượng tốt nhất. Thực ra điều này với bóng đá Thái Lan không phải là mới khi vài năm nay họ cũng không duy trì lực lượng mạnh nhất cho đấu trường khu vực nữa. Ngay tại giải đấu cách đây 2 năm mà chúng ta lên ngôi vô địch, một bộ khung chính của đội tuyển xứ chùa tháp gồm bốn ngôi sao chơi bóng tại nước ngoài là thủ thành Kawin Thamsatchanan, hậu vệ Theerathon Bunmathan, tiền vệ Chanathip Songkrasin và tiền đạo Teerasil Dangda cũng đều không góp mặt. Các cầu thủ này là những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Thái và cũng quan trọng với họ như Văn Lâm hay Văn Hậu của chúng ta vậy.
Chiến lược của bóng đá Thái rất rõ ràng, họ vẫn muốn duy trì vị thế số 1 trong khu vực nhưng đã bắt đầu muốn tiếp cận với trình độ thế giới. Chính vì thế việc giữ sức những cầu thủ quan trọng hơn này cho các giải đấu cấp độ cao hơn là dễ hiểu. Như thế, sẽ không tạo áp lực thi đấu với các cầu thủ cũng đồng thời giữ được mối quan hệ tốt với các CLB bên ngoài. Thử hỏi nếu cứ vài tháng lại có một giải đấu mà chúng ta cứ đi gọi Văn Hậu hay Văn Lâm về một lần thì các đội bóng chủ quản của họ có khó chịu không. Chưa kể, những quãng nghỉ như thế sẽ làm đứt gãy quá trình luyện tập và phát triển của các cầu thủ. Bóng đá Thái đã chọn hướng đi phát triển rộng và sâu để vươn tầm hơn là hướng đến những thành tích ở tầm thấp.
Bóng đá Thái Lan đang có những bước tiến lớn để vươn tầm đẳng cấp
Bóng đá Việt Nam cũng đang trên đà phát triển tốt. V League và các CLB đều đang có sự thay đổi về chất cũng như về lượng. Nên chăng chúng ta cũng có thể cần nhắc để học theo người Thái, người anh cả của bóng đá khu vực hiện giờ để có những điều chỉnh hợp lý hơn phù hợp với thời cuộc. Bởi thay đổi cũng là để thích nghi, nếu một ngày không xa những , hay , Đình Trọng cũng ra nước ngoài thi đấu, chả nhẽ ĐTQG Việt Nam cũng không còn người mà đá cho các giải đấu quan trọng nữa hay sao ? Ngay lúc này, V-League cũng đang bế tắc trong kế hoạch tổ chức, nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cả ĐTQG và các tuyến khác nữa. Covid-19 là một thảm họa, nhưng trong “nguy” có “cơ”, đôi khi, đó lại là thời điểm tốt để chúng ta thúc đẩy một sự thay đổi mới phù hợp hơn với thời cuộc. Mục tiêu cuối cùng vẫn cứ phải giúp cho nền bóng đá có sự phát triển tốt nhất.
Long Win