Tìm hiểu về lịch sử đại hội thể thao châu Á – ASIAD

Thứ Ba, ngày 14/08/2018 - 09:04
5 /5 của 1 đánh giá

Đại hội thể thao châu Á hay còn được gọi là Á vận hội ( tên tiếng Anh là ASIAD hoặc Asian Games ), là một sự kiện thể thao tại châu Á, được tổ chức 4 năm một lần với sự tham gia của các đoàn thể thao của các nước khu vực châu Á. ASIAD là đại hội thể thao có nhiều môn thi đấu lớn thứ 2 thế giới ( chỉ sau đại hội thể thao thế giới – Olympic ).

ASIAD có từ khi nào?

Tiền thân của đại hội thể thao châu Á là giải vô địch các quốc gia Viễn Đông ( một sự kiện thể thao nhỏ được tổ chức tại Philippines vào năm 1913 ) để tăng cường tình đoàn kết, hợp tác và giao lưu văn hóa giữa 3 quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines. Kể từ đó, số lượng các quốc gia châu Á tham dự Á vận hội ngày càng tăng lên. Năm 1938, ASIAD bị hủy và ngừng tổ chức do chiến tranh thế giới thứ 2 cũng như việc Nhật Bản tấn công Trung Quốc.

Năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhiều nước châu Á giành được độc lập và họ muốn có sân chơi  phi bạo lực để tăng cường tình đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia. Trong khoảng thời gian diễn ra đại hội thể thao thế giới ( hay còn được gọi là Thế vận hội) vào tháng 8 năm 1948, đại diện ủy ban Olympic Ấn Độ, ông Guru Dutt Sondhi đề xuất với các trưởng đoàn thể thao các nước châu Á ý tưởng về việc tổ chức đại hội thể thao châu Á. Thế là các bên thống nhất việc thành lập liên đoàn điền kinh châu Á. Tới tháng 2 năm 1949, liên đoàn thể thao châu Á chính thức được thành lập với tên viết tắt là AGF. AGF cũng thống nhất đại hội thể thao châu Á được diễn ra 4 năm 1 lần tại các quốc gia châu Á khác nhau.

Biểu tượng của ASIAD 18 diễn ra tại Indonesia.

ASIAD lần đầu tiên được tổ chức tại Ấn Độ vào năm 1951. Đáng ra ASIAD phải được tổ chức vào năm 1950 nhưng bị hoãn lại vì sự chậm trễ. Đại hội thể thao châu Á lần thứ nhất có 489 vận động viên tới từ 11 quốc gia: Thái Lan, Nhật Bản, Iran, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Singapore, Sri Lanka, Philippines, Nepal và Afghanistan tham gia tranh tài ở các môn bóng đá, điền kinh, cử tạ, bơi lội, bóng rổ và đua xe đạp.

Quy mô của đại hội thể thao châu Á đã được nâng lên một tầm cao mới ở kỳ ASIAD lần thứ 2 được tổ chức tại Philippines với sự tham gia của 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy rằng không có môn đua xe đạp nhưng ban tổ chức cũng đã kịp thời bổ sung thêm môn đấu vật, quyền anh và bắn súng.

ASIAD lần đầu tiên được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào năm 1958 với sự tranh tài của 1422 vận động viên ở 13 môn thể thao. Đây cũng là lần đầu tiên lễ rước đuốc được tổ chức tại một kỳ Á vận hội. Rõ ràng, sức hút của ASIAD đã lan tỏa khắp châu lục và được nhiều nơi trên thế giới biết đến.

Indonesia là chủ nhà của ASIAD năm 1962 nhưng ban tổ chức đất nước xứ vạn đảo lại phản đối sự góp mặt của hai quốc gia: Đài Loan và Israel, gây nên sự bất đồng trong nội bộ đại hội thể thao châu Á. Ủy ban Olympic quốc tế ( IOC ) dọa sẽ không ủng hộ ASIAD 1962 nếu nước chủ nhà Indonesia loại cả Đài Loan lẫn Israel ra khỏi đại hội. Cùng với đó, các tổ chức thể thao khác như Liên đoàn cử tạ thế giới hay Liên đoàn điền kinh nghiệp dư quốc tế cũng phải đối Indonesia về vấn đề này. Bất chấp những lời “cảnh báo” trên, ASIAD 1962 vẫn diễn ra tại Indonesia mà không có sự tham gia của cả Đài Loan lẫn Israel.

Năm 1966, Thái Lan vinh dự khi lần đầu tiên làm chủ nhà của kỳ đại hội thể thao lớn nhất châu lục. Đây là kỳ Á vận hội được đánh giá thành công về mọi mặt, hình ảnh của ASIAD dần được lấy lại sau “bê bối” tại kỳ đại hội thể thao châu Á trước đó được tổ chức tại Indonesia.

Hàn Quốc được chọn đăng cai ASIAD 1970 nhưng do mối đe dọa chiến tranh từ phía Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên nên đất nước xứ kim chi phải hủy kế hoạch làm chủ nhà Á vận hội, Thái Lan lần thứ hai liên tiếp làm chủ nhà tại kỳ đại hội thể thao lớn nhất châu lục. Một điều khá đặc biệt, mặc dù ASIAD 1970 được tổ chức tại Thái Lan nhưng mọi kinh phí của kỳ đại hội này lại được sử dụng từ Hàn Quốc. Đây cũng là thời điểm mà thể thao Đông Nam Á có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thể thao châu lục.

Năm 1974, Iran đăng cai ASIAD, vấn đề Đài Loan và Israel lại tiếp tục được đưa ra bàn cãi. Csac quốc gia Ả Rập phản đối sự góp mặt của Israel nhưng chủ nhà Iran lại cho phép Israel tham dự. Về phía Đài Loan, liên đoàn thể thao châu Á quyết định khai trừ vùng lãnh thổ này tuy nhiên lại đồng ý cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên góp mặt tại Á vận hội lần này. Tại ASIAD 1974, có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Pakistan là chủ nhà của ASIAD 1978, tuy nhiên những xung đột, chiến tranh với Bangladesh và Ấn Độ cũng khiến quốc gia Nam á này hủy bỏ kế hoạch làm chủ nhà Á vận hội. Và thêm một lần nữa, Thái Lan là chủ nhà của kì đại hội thể thao châu Á năm 1978. Như vậy, đất nước Chùa Vàng đã có 3 lần đăng cai ASIAD.

Năm 1981, Liên đoàn Thể thao châu Á (AGF) được tái cơ cấu lại, một hiệp hội mới với tên gọi Hội đồng Olympic châu Á (OCA) được hình thành. Ấn Độ là chủ nhà của Á vận hội 1982. Tại kỳ ASIAD này có hơn 4500 vận động viên tham dự đến từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và đây cũng là kỳ ASIAD có sự tham gia trở lại của các vận động viên Việt Nam.

Năm 1986, Hàn Quốc đăng cai ASIAD. Người dân xứ  kim chi coi kỳ Á vận hội này là bước đà để chuẩn bị cho Thế vận hội 1988 nơi mà chính họ là nước chủ nhà. Đài Loan được tham gia dưới tên gọi Trung Hoa Đài Bắc theo quyết định từ hội đồng Olympic châu Á (OCA). OCA cũng đồng ý loại trừ vĩnh viễn Israel ra khỏi danh sách thành viên và yêu cầu nước này tham gia các cuộc tranh tài thể thao tại châu Âu. Đại hội thể thao châu Á đến với Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 1990 và nước chủ nhà cũng cũng về nhất toàn đoàn.

Kỳ Á vận hội 1994 diễn ra tại Hiroshima, Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên ASIAD không được diễn ra tại thủ đô. Chủ đề của kỳ đại hội thể thao này chính là hòa bình hữu nghị khi Hiroshima chính là thành phố từng vị hủy diệt bởi quả bom nguyên tử của Mỹ trong thế chiến thứ 2. Hội đồng Olympic châu Á ( OCA ) cũng chấp nhận các đất nước Trung Á thuộc Liên Xô cũng như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Turkmenistan và Tajikistan được tham dự ASIAD.

Năm 1998 Thái Lan vinh dự với lần thứ 4 là chủ nhà của một kỳ ASIAD. Á vận hội 2002 được tổ chức tại Busan, Hàn Quốc, đây cũng là đại hội thể thao ghi nhận nhiều kỉ lục thế giới mới. Đại hội đánh dấu sự quay trở lại của Afghanistan và đây cũng là lần đầu tiên Đông Timor dự ASIAD.

Á vận hội 2006 được tổ chức tại Doha, Qatar. Có 39 bộ môn thể thao được nước chủ nhà đưa vào thi đấu, tất cả 45 quốc gia thành viên của hội đồng Olympic châu Á ( OCA ) đều gửi các vận động viên đến thi đấu. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là 3 quốc gia dẫn đầu trên bảng tổng soát huy chương.

Năm 2010, lần thứ hai ASIAD được đến với Trung Quốc nhưng địa điểm tổ chức lần này là Quảng Châu thay vì Bắc Kinh như trước. Có tất cả 42 bộ môn thể thao được đưa vào thi đấu, chủ nhà Trung Quốc về nhất toàn đoàn với 139 tấm huy chương vàng, 123 tấm huy chương bạc và 472 huy chương đồng. Đứng ở các vị trí thứ hai lần lượt là Nhật Bản và Hàn Quốc.

ASIAD lần thứ 17 được tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc. Sau Seoul ( 1986 ) và Busan ( 2002 ), Incheon là thành phố thứ ba của Hàn Quốc được vinh dự đăng cai đại hội thể thao châu Á. Tất cả 45 thành viên của hội đồng Olympic châu Á đều cử các vận động viên đến tham dự. Trung Quốc tiếp tục khẳng định sức mạnh của mình khi về nhất toàn đoàn với 151 huy chương vàng, 108 huy chương bạc và 83 huy chương đồng.

Theo dự kiến, ASIAD 18 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Tuy nhiên tới tháng 4 năm 2914, Việt Nam đã chính thức rút lui không đăng cai ASIAD do không đảm bảo được kinh phí tổ chức. Hội đồng Olympic châu Á đã quyết định trao quyền đăng cai Á vận hội 2018 cho Indonesia. Trung Quốc sẽ là quốc gia tổ chức ASIAD 19. Tới Á vận hội 2026, Nhật Bản sẽ là quốc gia chủ nhà.

Tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia có số lần tổ chức ASIAD nhiều nhất chính là Thái Lan với 4 lần đăng cai. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đứng thứ ba với 3 lần tổ chức. Những quốc gia có từng hai lần đăng cai Á vận hội là Indonesia và Ấn Độ. Philippines, Iran và Qatar từng có một lần là chủ nhà của kỳ đại hội thể thao lớn nhất châu lục.

Thể lệ thi đấu đại hội thể thao châu Á – ASIAD

Thường thì ASIAD diễn ra trong vòng hơn 2 tuần. ASIAD 18 diễn ra ở Indonesia bắt đầu từ ngày 18/8 và kết thúc vào ngày 2/9. Tuy nhiên một số môn sẽ bắt đầu thi đấu trước lễ khai mạc vài ngày, đó là các môn bóng đá, bóng nước, bóng chày hay bóng ném.

Tất cả các vận động viên thuộc các bộ môn thể thao tại ASIAD 18 sẽ tranh tài để tìm ra 3 vị trí đứng đầu. Các cá nhân hay một tập thể nếu vô địch sẽ giành tấm huy chương vàng, á quân đoạt huy chương bạc và vị trí thứ ba được nhận huy chương đồng. Ở môn bóng đá nam, các đội sẽ thi đấu để vượt qua vòng bảng và tiến vào vòng 1/8. Các đội thắng tại vòng 1/8 sẽ tiến vào tứ kết. Đội thắng tứ kết lọt vào bán kết. Các đội thắng ở bán kết sẽ vào chung kết để tranh nhất nhì, đội thua sẽ thi đấu trận tranh hạng ba để giành tấm huy chương đồng.

Các đội tuyển bóng đá nam đã từng vô địch ASIAD

Môn bóng đá nam được đưa vào thi đấu ASIAD từ năm 1951. Tới Á vận hội 2002, thay vì sử dụng đội tuyển bóng đá quốc gia, các đoàn thể thao dự sẽ phải cử  đội tuyển dưới 23 tuổi và 3 cầu thủ quá độ tuổi này cùng nhau tranh tài.

Tại kỳ Á vận hội lần đầu tiên được tổ chức tại quê nhà, Ấn Độ đăng quang chức vô địch với chiến thắng 1 – 0 trước Iran trong trận chung kết. Tại ASIAD 1954, đội tuyển Trung Quốc giành tấm huy chương vàng sau khi hạ gục Hàn Quốc. Kịch bản Á vận hội 1958 cũng không khác mấy so với Á vận hội 1954 khi Trung Quốc lần thứ hai “quật ngã” Hàn Quốc trong trận chung kết để đăng quang ngôi vô địch. Ấn Độ giành huy chương vàng ở đại hội thể thao châu Á 1962 tổ chức tại Indonesia sau khi đánh bại Hàn Quốc. Như vậy, đội bóng đá nam xứ kim chi đã về nhì ba lần liên tiếp tại ASIAD.

Năm 1966, Myanmar lần đầu tiên giành huy chương vàng ASIAD. Đại diện Đông Nam Á thi đấu rất xuất sắc và đánh bại Iran trong trận chung kết với tỷ số 1 – 0. Kỳ ASIAD 1970 là lần đầu tiên trong lịch sử có 2 đội bóng cùng giành huy chương vàng. Do bất phân thắng bại trong trận chung kết nên ban tổ chức Á vận hội thời điểm đó đã quyết định trao “đồng giải nhất” cho cả Hàn Quốc lẫn Myanmar.

Iran đăng quang chức vô địch ASIAD 1974 khi đánh bại Israel trong trận chung kết. Năm 1978, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc cùng giành tấm huy chương vàng khi hòa nhau sau 120 phút thi đấu trận chung kết. Tại đại hội thể thao châu Á 1982 diễn ra ở Ấn Độ, Irag đăng quang chức vô địch. Năm 1986, Hàn Quốc giành vàng ASIAD khi đánh bại Saudi Abaria 2 – 0 trong trận chung kết.

Tại đại hội thể thao châu Á 1990, Iran là đội bóng giành huy chương vàng. 4 năm sau đó, Uzbekistan bước lên đỉnh vinh quang môn nam của ngày hội thể thao lớn nhất châu lục. Tại ASIAD 1998 và 2002, Iran 2 lần liên tiếp đăng quang chức vô địch. Lần đầu làm chủ nhà tại 1 kỳ ASIAD, Qatar giành luôn tấm huy chương vàng môn bóng đá nam 2006.

Tại ASIAD 16 diễn ra tại Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 2010, Nhật Bản đăng quang chức vô địch sau khi hạ gục UAE với tỷ số 1 – 0 trong trận chung kết. Đánh bại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên , Hàn Quốc giành tấm huy chương vàng Á vận hội 2014 tại chính quê nhà.

Đội tuyển Olympic Việt Nam đến với ASIAD 18

Đội tuyển Olympic Việt Nam đến với Á vận hội với sự kỳ vọng rất lớn từ người hâm mộ. Tại giải U23 châu Á diễn ra đầu năm tại Thường Châu, Trung Quốc, thầy trò huấn luyện viên Park Hang – seo gây tiếng vang rất lớn khi giành ngôi á quân châu lục. Các cổ động viên bóng đá Việt Nam đang rất hy vọng đội bóng con cưng của mình sẽ tiếp tục tạo nên bất ngờ tại đại hội thể thao châu Á lần thứ 18.

Các chàng trai Việt Nam đã có mặt tại Indonesia để tranh tài.

Tại Á vận hội 2018, các chàng trai đến từ mảnh đất hình chữ S nằm tại bảng D cùng với các đối thủ Nhật Bản, Pakistan và Nepal. Nhiều khả năng cuộc đối đầu với Nhật Bản là sẽ là trận đấu tranh ngôi nhất nhì bảng D khi hai đối thủ Pakistan và Nepal được đánh giá “cửa dưới” so với và Nhật Bản.

Tại ASIAD 2010 và 2014, đội tuyển Olympic Việt Nam đều dừng bước ở vòng 1/8.

Thịnh Hữu

 

Bình luận bài viết

Bố trung vệ Olympic Việt Nam và mong muốn giản dị

02-09-2018

Có mặt ở sân bay đón con và thầy trò HLV Park Hang Seo, ông Trần Văn Hùng bố của trung vệ Đình Trọng đã có những chia sẻ xúc động với giới báo chí về mong muốn của mình khi con trở về sau ASIAD 2018.