Bạn muốn tắt quảng cáo?

Bầu Đức – bầu Hiển và câu chuyện tính cạnh tranh ở V-League

Thứ Sáu, ngày 25/10/2019 - 16:54
5/5 của 1 đánh giá

Cuối cùng thì giải đấu vô địch quốc gia, V League 2019 đã chính thức khép lại. Bất chấp việc đến vòng đấu cuối cùng mới xác định được vé xuống hạng thì không thể phủ nhận, V League đang thực sự thiếu tính cạnh tranh.

Tính cạnh tranh của V-League càng có xu hướng giảm đi. Đây không phải là tuyên bố chủ quan của người viết bởi ngay cả những “ông bầu” của V-League cũng không còn mặn mà với chức vô địch của giải đấu này. Chúng ta hẳn còn nhớ, cách đây 3 tháng, khi mà CLB Tp Hồ Chí Minh còn đang đứng đầu bảng xếp hạng và tạo thế song mã với Hà Nội FC trong cuộc đua vô địch thì một trong những ông bầu nổi tiếng nhất của bóng đá Việt Nam đã khẳng định: “TP Hồ Chí Minh không thể vô địch. Bởi một không thể thắng được năm”. Ông còn lớn tiếng tuyên bố “mất gì tôi cũng mất”.

Câu nói bên ngoài phòng họp trước cánh phóng viên được ghi lại hết sức tình cờ nhưng lại phản ánh một thực tế: chính ông bầu của Hoàng Anh Gia Lai cũng chả máu me gì chức vô địch.

Tính cạnh tranh của V-League

Không thể nói Hà Nội FC không vô địch xứng đáng, nhưng cũng không thể phủ nhận những điều bầu Đức nói. Trong làng bóng đá nước nhà hiện nay, nếu nói là “đội bóng của bầu Hiển” thì cũng không quá oan bởi những Than Quảng Ninh, Quảng Nam, SHB Đà Nẵng hay Sài Gòn, Hà Nội đều theo cách này hay cách khác phụ thuộc vào túi tiền của ông chủ tập đoàn T&T này dù ông Hiển không chính thức giữ vị trí chủ tịch ở đội bóng nào cả. Nếu gọi là danh chính ngôn thuận thì bầu Hiển chỉ là cựu chủ tịch của CLB bóng đá Hà Nội T&T, chính là tiền thân của Hà Nội FC ở thời điểm này. Nhưng các nhánh của tập đoàn T&T thì lại là nhà tài trợ chính cho tất cả những đội bóng này. Và thực tế cầu thủ của lò Hà Nội, đội bóng mà ông Hiển không dấu sự quan tâm thì luôn được thoải mái cho mượn ở những CLB vệ tinh kia. Chính tình trạng “một ông bầu, năm đội bóng” đó khiến cho các đội bóng muốn cạnh tranh ngôi vô địch với quân Bầu Hiển rất dễ bị “đánh hội đồng”. Trong 10 năm qua, các đội bóng của bầu Hiển vô địch giải đấu tới 8 lần trong đó có 4 chức vô địch gần đây nhất. 

Điều này dẫn đến các ông bầu khác cũng nản. Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức thì thả quân ra nước ngoài thi đấu. Tập đoàn FLC của bầu Quyết thì bỏ chơi bóng đá đẩy CLB xứ Thanh tử chỗ ứng viên vô địch thành đội suýt xuống hạng mùa này. Trước đó, bầu Thụy của CLB Xuân Thành Sài Gòn cũng ấm ức chuyện không thể lên ngôi vô địch, khi 2 đội bóng của bầu Hiển khi đó là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng “song kiếm hợp bích” hất cẳng Xuân Thành Sài Gòn khỏi ngôi vương và rồi bỏ bóng đá. Khi các ông bầu đều “chán” cuộc chơi vô địch như vậy, sẽ khó có đội bóng nào đủ sức để vươn cao.

Và một khi không còn ông bầu khát khao ngôi vô địch, nhóm các đội ngay phía CLB Hà Nội và CLB TPHCM ở mùa giải năm nay, cứ nhàn nhạt là điều không hề khó hiểu. Bởi từ Hoàng Anh Gia Lai, Viettel cho đến Bình Dương hay Nghệ An đều không thực sự chuyên tâm ở giải đấu này. Viettel là đội bóng có tiềm lực, nhưng họ chỉ về đích thứ 6, vẫn dùng V League như một sân chơi của cầu thủ trẻ và mãi đến lượt về mới đầu tư ngoại binh sau khi trượt dài ở lượt đi. Hoàng Anh Gia Lai thì như đã nói, bầu Đức mang hết quân đi ra nước ngoài thi đấu để học hỏi. Bình Dương thì tập trung cho AFC Cup nhiều hơn là giải trong nước. Phần lớn các đội bóng này đều quay về xây dựng lực lượng trẻ để đợi thời chứ không mua sắm lớn mà cạnh tranh vô địch. Thế nên Hà Nội đã mạnh càng thêm dễ đá.

Tính cạnh tranh của V-League không cao cũng bởi vì có 14 đội nhưng chỉ có 1,5 suất rớt hạng. Mà xuất play off đá với đối thủ hạng Nhất thì rõ là không xứng tầm nên cũng rất khó rớt hạng. Thế nên với xác suất rớt hạng chỉ hơn 10% một, các đội nếu có lực thì chỉ cần thiết tha một chút là trụ hạng rồi. Năm ngoái, Nam Định sống trong cảnh đói nghèo thì năm nay có nhà tài trợ là tránh xa nhóm xuống hạng ngay. Còn Khánh Hòa thì không có kinh phí nuôi đội nên có thể nói “xuống hạng là đáng rồi”, để Hà Tĩnh đang khát khao được lên sân chơi lớn thay chỗ âu cũng là hợp lý. Thế nên ở V-League hiện tại có một nhóm những đội “sống lâu lên lão làng”, cứ đá làng nhàng giữ chỗ chứ chả có mục tiêu gì cụ thể.

Các ông bầu chuyển sang làm bóng đá lâu dài

Khi mà việc cạnh tranh ngôi vương không còn hấp dẫn, việc trụ hạng cũng chẳng khó quá nên thì tiền thưởng cũng có thể là mục tiêu. Điều này thì VPF không tạo ra động lực cho các đội. Chẳng rõ VPF thu được bao nhiêu tiền nhưng họ chỉ thưởng cho 3 thứ hạng đầu lần lượt là 3 tỷ, 1,5 tỷ và 750 triệu đồng. Con số đó quá thấp so với phần chi phí khổng lồ mà từng CLB phải bỏ ra để duy trì hoạt động hàng năm ước tính 20-30 tỷ. Bình Dương năm vừa rồi có giai đoạn bỏ V League để đá AFC Cup vì nghe nói họ được 1,5 triệu USD từ giải đấu này. Một bài toán kinh tế rõ ràng là có lợi khi chỉ cần đá 10 trận đã hơn cả mùa giải cày V League bục mặt rồi.

Bóng đá Việt Nam đang ở một giai đoạn thú vị, các ông bầu bắt đầu chán cuộc đua vô địch và tập trung làm bóng đá lâu dài. Có lẽ, sự thống trị của Hà Nội FC sẽ không kéo dài mãi khi những Viettel hay Hà Tĩnh hội tụ đủ nguồn lực và quyết tâm. Tuy nhiên, chuyện đó cũng sẽ không sớm xảy ra vì Hà Nội không chỉ giàu nhất, mạnh nhất mà còn đang chịu chơi nhất giải đấu nữa. Ngay lứa trẻ của họ cũng vẫn đang là biểu tượng mà cả giải đấu phải nhìn vào học hỏi rồi. Thôi thì, lại “chờ thời” vậy. Cho đến lúc cái “thời” đó đến, thì tính cạnh tranh của giải đấu khó mà được nâng cao.

Long Win 

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT

Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Thêm tin tức
Bạn muốn tắt quảng cáo?