Bạn muốn tắt quảng cáo?

Những bài học từ một thất bại

Thứ Hai, ngày 25/02/2019 - 10:27
5/5 của 1 đánh giá

Trận thua tối thiểu trước Indonesia ở bán kết U22 Đông Nam Á đã kết thúc hành trình của các cầu thủ trẻ chung ta tại giải đấu này. Đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong hành trình chinh phục những mục tiêu lớn của lứa cầu thủ này trong kế hoạch 2019-2020, điều quan trọng lúc này là chúng ta đã rút ra được những bài học gì.

>> Tham khảo thêm:

Dù không đặt nặng thành tích khi chỉ mang đến một đội hình hạng hai, nhưng thất bại này cũng khiến cho nhiều người hâm mộ cảm thấy hẫng hụt. Thành tích nổi bật của lứa cầu thủ trẻ Việt Nam trong 2 năm qua ở cấp độ Châu lục khiến cho không ít người nghĩ việc lấy giải khu vực là chuyện đương nhiên.

Chính vì thế dù không được quảng bá rầm rộ và không đem đến một ngôi sao nào thực sự ấn tượng tới Campuchia thì từng bước đi của đội U22 vẫn nhận được nhiều sự chú ý. Lượng CĐV đông đảo trên các khán đài cho thấy sự quan tâm và cả kỳ vọng lớn của người hâm mộ với các cầu thủ trẻ.

U22 Việt Nam có một giải đấu thất vọng

Trận thua Indonesia hôm nay không phải là một thảm họa. Bởi như đã nói, đây chỉ là một giải đấu khởi động và chúng ta không đặt cao thành tích. Mục tiêu là hướng tới trận chung kết, nhưng đôi khi những thất bại như thế này còn đem đến những bài học lớn hơn cho chính chúng ta.

Trước tiên là ở hệ thống chiến thuật. Dù không đem đến đội hình mạnh nhất thì có thể cảm nhận rõ rằng lứa cầu thủ U22 này của chúng ta vẫn là khá tốt so với mặt bằng khu vực ở giải đấu. Trước Philippines, Thái Lan và kể cả Indonesia, các cầu thủ trẻ của chúng ta đều phần nào thể hiện được ưu thế này. Tuy nhiên, khác với những người đàn anh ở U23 hay Đội tuyển Quốc gia trong hơn một năm qua luôn kiên trì với lối đá ban bật phối hợp nhỏ thì cách chơi bóng của các cầu thủ U22 lại khá thiếu nhất quán.

Ở vòng bảng, trước những đối thủ mạnh như Philippines hay Thái Lan, lối đá kỹ thuật của chúng ta đã được phát huy và đem đến nhiều dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên khi gặp Indonesia, một đối thủ luôn được đánh giá khá cao trong khu vực về sức mạnh thì chúng ta lại chọn lối đá thiên về đấu sức với họ. Những pha xuống biên và tạt cánh quá nhiều thậm chí gần như là sự lựa chọn duy nhất của thầy trò HLV Nguyễn Quốc Tuấn khiến cho chúng ta không tạo được nhiều pha nguy hiểm đáng kể. Lấy sở đoản để đối đầu với sở trường của đối phương rõ ràng không phải là sự lựa chọn khôn ngoan.

Các cầu thủ còn cần học hỏi nhiều

Thêm vào đó, lối chơi mà bóng đá Việt Nam đang được định hình từ các đội bóng của thầy Park đã khẳng định được giá trị cần được tiếp nối để các thế hệ kế tiếp nhau phát huy sức mạnh tối đa. Chúng ta có thể thua trong một giải đấu, một trận đấu cụ thể nhưng nếu không đảm bảo sự phát triển đồng đều của hệ thống sẽ không bao giờ xây dựng được một nền bóng đá quốc gia mạnh. Ông Nguyễn Quốc Tuấn có thể có sự lựa chọn của mình, nhưng ở tầm của Liên đoàn và Hội đồng HLV quốc gia cũng nên có ý kiến cho vấn đề này.

Bàn thua của chúng ta trong trận đấu với Indonesia lại một lần nữa đến từ một cú sút phạt. Đây rõ ràng là căn bệnh trầm kha với bóng đá Việt Nam trong thời gian qua. Thứ nhất là việc các cầu thủ liên tục phạm lỗi ở những khu vực nhạy cảm cho thấy sự thiếu tính toán của từng cá nhân. Việc bố trí hàng rào và phối hợp chống đá phạt cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Ở đội lớn đã mắc phải và bây giờ là lứa trẻ cũng y sì như vậy. Đây có lẽ là lỗ hổng từ hệ thống đào tạo mà chúng ta cũng ngay lập tức phải có giải pháp.

Thất bại là điều cần thiết để các cầu thủ trẻ tích lũy và trưởng thành

Cũng như ở trận đấu với Thái Lan, gặp Indonesia chúng ta vẫn chơi lấn lướt hơn nhưng lại không thể ghi bàn. Duy Nam có gần 10 cơ hội dứt điểm trong vòng cấm nhưng thậm chí không có một lần đưa bóng đến đúng khung thành. Khả năng dứt điểm kém cỏi này chả lẽ cứ tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác ? Ở Asian Cup vừa qua khi Anh Đức đã rời tuyển chúng ta thực sự thiếu đi một trung phong có đủ sự tin cậy. Đây cũng sẽ là vấn đề lớn của các đội tuyển trong tương lai.

Với các cầu thủ trẻ ở lứa U22 đi dự giải lần này mà phần lớn không có xuất đá chính ở CLB thì đòi hỏi bản lĩnh là quá khó. Sự non nớt của các cầu thủ U22 là có thật. Ngay cả trước Đông Timor chúng ta cũng đã rất khó khăn để gửi tỏa được áp lực. Nhưng dù sao đây cũng là một giải đấu chuẩn bị. Và thất bại ở những giải đấu như thế này có khi lại là cần thiết để cho các cầu thủ có thể tích lũy kinh nghiệm.

Những trận đấu khó khăn với những tính chất khác nhau sẽ giúp cho các cầu thủ trẻ trưởng thành. Còn với những người làm quản lý, một thất bại phải là một lần nhìn ra vấn đề và cách xử lý. Nếu không rút kinh nghiệm được từ thất bại thì đó mới là thất bại thực sự. Hãy nhớ, mục tiêu của chúng ta là Olympic và cả World Cup, đừng buông lơi.

>> Xem thêm cập nhật

Long Win

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT

Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Thêm tin tức
Bạn muốn tắt quảng cáo?