Cảm xúc VAR
Khi công nghệ hỗ trợ trọng tài qua Video hay còn gọi là VAR được đưa vào áp dụng lần đầu tiên, người ta đã tranh cãi rằng nó sẽ giết chết cảm xúc trong bóng đá. Nhưng rồi thời gian đã trả lời tất cả, VAR không giết chết cảm xúc, nó chỉ tạo nên những cảm xúc mới, cảm xúc VAR.
>> Tham khảo thêm:
Bàn thắng của Diego Costa trong trận cầu giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tại World Cup 2018 trở thành bàn thắng đầu tiên trong ở một giải đấu lớn được công nhận dưới sự trợ giúp của VAR.
Ngay trước tình huống ghi bàn, anh này có vẻ như đã phạm lỗi với trung vệ bên phía đối thủ là Pepe nhưng sau khi tham khảo VAR, trọng tài đã quyết định công nhận bàn thắng. Đó là một khoảnh khắc lịch sử khi mà bóng đá trở lại với đúng như mong muốn mà nó nên là: một môn thể thao công bằng.
Dĩ nhiên, để có ngày được bước ra sân khấu lớn đó, VAR cũng đã phải trải qua bao thăng trầm. Được đề xuất lần đầu tiên ở Hà Lan từ năm 2010, VAR đã mất rất nhiều thời gian để xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện và cả thuyết phục giới chức bóng đá thế giới để đưa nó vào ứng dụng. Và các cầu thủ chuyên nghiệp tại Australia đã trở thành những người đầu tiên được trải nghiệm VAR vào năm 2017.
VAR là một công nghệ. Mà công nghệ thì đòi hỏi độ chính xác. Với bóng đá, môn thể thao vua với những phút giây mê đắm đã đi vào lịch sử, người ta luôn lo sợ thứ công nghệ khô khan và máy móc đó sẽ làm giết chết đi cảm xúc tinh khôi và cuồng nhiệt của nó.
Nếu có VAR, Maradona sẽ không thể bào đi vào lịch sử với bàn tay của chúa. Nếu có VAR, người Anh có thể sẽ không bao giờ dành được chức vô địch thế giới đầu tiên của mình. Và những tranh cãi bất tận lập lờ giữa lằn ranh đúng sai đó từ lâu rồi luôn là một phần của bóng đá. Với rất nhiều người, sai lầm cũng là một phần tất yếu của bóng đá.
Thế nhưng bóng đá là một môn thể thao, nơi mà mọi nỗ lực đều đáng được công nhận. Người Anh may mắn để có được chiến thắng năm 66 nhờ một sai lầm của trọng tài nhưng họ cũng đã phải chịu nỗi cay đắng 20 năm sau bởi một “cú ăn gian” của người khác. Thể thao, với tư cách là một cuộc đua tranh, nó cần sự công bằng.
VAR có thể không hoàn thiện, nó làm cho những trận đấu bị cắt rời, những quyết định bị thay đổi nhưng nó có sức mạnh của công lý. Không thể nói những nỗ lực của các cầu thủ Venezuela là không xứng đáng khi họ đã chiến đấu bằng tất cả tinh thần và sức mạnh của mình.
Người Brazil sẽ không thích những quyết định của VAR khi tước đi tới 3 bàn thắng của họ trong một trận đấu. Nhưng, ngay cả ông HLV lầm lì Tite cũng phải thừa nhận rằng VAR đã đúng. Brazil không thắng đơn giản vì họ đã không làm tốt việc của mình. Hãy thử tượng tượng nếu không có VAR thì Venezuela sẽ oan ức như thế nào sau những nỗ lực không biết mệt mỏi. Khi sự công bằng được trả lại, những đội bóng yếu hơn sẽ cảm thấy được trân trọng.
Và nếu ai đó nói VAR không đem lại cảm xúc thì hãy hỏi Pep Guardiola. HLV bậc thầy của bóng đá thế giới đã trải qua 2 phút điên rồ trong đời mình. Ông ăn mừng như điên dại với bàn thắng của Sterling ở phút bù giờ thứ 3 trong trận đấu tứ kết Champions League tại Etihad.
Các cổ động viên vui mừng, BHL Man City và đặc biệt là HLV Guardiola nhảy lên ăn mừng trong niềm vui tột cùng. Tuy nhiên, tất cả đều khựng lại, khi trọng tài ra dấu hiệu hỏi ý kiến VAR. Kết quả, VAR cho thấy Aguero đã việt vị trước khi chuyền bóng cho Sterling và bàn thắng không được công nhận, Man City bị loại. Pep ôm đầu gục ngã. Cả thế giới đã đảo ngược chỉ trong 120 giây. Và đó chính là khoảnh khắc người ta hiểu rằng VAR cũng có thể tạo nên cảm xúc theo cách của nó.
Thế giới đang thay đổi, bóng đá cũng như mọi môn thể thao đều phải thích ứng theo. Người ta không chấp nhận những bất công theo kiểu cũ nữa. Những màn tiểu xảo, những sự bất công sẽ không còn tồn tại. Và VAR, thay vì giết chết cảm xúc, nó tạo ra cảm xúc mới, cảm xúc của sự công bằng.
>> Xem thêm cập nhật
Long Win
Bình luận bài viết