Tay “Cò” đầu đàn của bóng đá Việt Nam: Mỗi mùa Thu về cả chục tỷ đồng nhờ môi giới
Dân môi giới cầu thủ không ai là không biết đến cái tên T.T.Đ. Bởi đây chính là “cò” tiên phong cho nghề môi giới cầu thủ tại Việt Nam. Thành công của T.T.Đ được quy đổi bằng tiền, khi mỗi mùa có thể thu về cả tiền tỷ lẫn chục tỷ đồng.
Đầu những năm 2000, bước lên chuyên nghiệp. Nghề môi giới cầu thủ được xem là việc sinh lời. Nói như dân trong nghề, chỉ cần vài cuộc điện thoại, người môi giới có thể thu về tiền phí hàng tỷ đồng. T.T.Đ - người đi tiên phong nghề này ở Việt Nam là cái tên nổi tiếng nhất. Ông T.T.Đ có đầu óc nhạy bén, sớm nhận thấy tiềm năng thị trường màu mỡ này nên đã nhanh chân nhảy vào. Lúc đó FIFA còn quy định người đại diện hoặc nhà môi giới phải thi đậu chứng chỉ hành nghề và ký quỹ khoảng 2,5 tỉ đồng Việt Nam. Dù chưa có chứng chỉ hành nghề, nhưng bấy giờ ông T.T.Đ vẫn là người mà ai cũng cần tới, từ các CLB cho đến cầu thủ nước ngoài lẫn các ngôi sao trong nước.
Nghề môi giới cầu thủ ở Việt Nam kiếm lời lớn
Theo Thanh Niên, trước mỗi kỳ chuyển nhượng, điện thoại của ông T.T.Đ đổ chuông không ngớt. Hầu như mọi CLB từ hạng nhất đến V.League, thậm chí cả hạng dưới, đều cần tới ông bởi nguồn cầu thủ dồi dào, phong phú từ trong nước đến thị trường châu Phi lẫn Nam Mỹ. Các ngôi sao bóng đá thời đó muốn ra đi tìm bến đỗ mới đều liên hệ qua ông bởi luôn được giá cao, dù tiền phí cũng cao ngất. Có thể nói, ông T.T.Đ là người kiếm tiền môi giới nhiều nhất thời đó. Trước mỗi mùa bóng, ông có hàng chục phi vụ chuyển nhượng, thu về hàng tỉ đến chục tỉ đồng. Nhiều ngôi sao bóng đá Việt Nam nói vui giới cầu thủ nên có lễ tri ân với “siêu cò Việt Nam” này vì ông đã giúp các cầu thủ từ sống lay lắt, bị CLB bắt chẹt qua một đêm đã đổi đời, nhà lầu xe hơi, tài khoản tiền tỉ.
Nhưng ngoài T.T.Đ, vẫn có những tay “cò” thất bại trong vòng xoáy cuộc chơi. Một tay cò giấu tên bỏ công việc văn phòng để rẽ ngang nghề môi giới. Anh cũng tìm nguồn cầu thủ có chuyên môn tốt từ châu Phi và châu Âu đưa về Việt Nam chào mời các CLB. Nhưng do là người ngoại đạ với bóng đá, nên đã gặp nhiều thất bại. Có lần anh đưa 3 cầu thủ từ châu Phi về thử việc ở một đội bóng phía Nam.
Nhưng không phải lúc nào “cò” cũng chủ động cuộc chơi
Chất lượng chuyên môn rất tốt, HLV đội bóng cũng đồng ý lấy, nhưng đến đoạn chốt hợp đồng lại sinh chuyện. Vị HLV nói thẳng sẽ lấy cầu thủ A và B với điều kiện phải chi tiền cho ông với mức cụ thể. Anh chàng môi giới nhẩm tính tiền chi cho vị HLV còn nhiều hơn số tiền anh được nhận cho phi vụ đầu tiên, nên đành chia tay. Đến CLB khác anh cũng gặp tình trạng tương tự. Anh nhẩm tính tiền vé cho 3 cầu thủ, phí visa, thuê phòng trọ, thuê sân tập… ngốn của anh gần 200 triệu đồng. Phi vụ lại không thành, anh mất trắng.
Quả thực, không phải lúc nào “cò” cũng chủ động cuộc chơi. Có một kịch bản khác là các tay “cò” bị chính cầu thủ bỏ rơi. Số là sau khi có được những thành công, một số cầu thủ bèn quên luôn ân nhân đã giúp mình đổi đời tại Việt Nam. Kết cục là đôi bên từ chỗ “chung một chiến hào” nay quay sang kiện cáo, thậm chí đe dọa “xử đẹp” nhau, khiến làng cầu được một phen tha hồ bàn tán, đoán già đoán non xem ai là kẻ lật kèo?
Nhật Anh
Bình luận bài viết