Bạn muốn tắt quảng cáo?

4-4-1-1 biến thể, Man City, đỉnh cao Pep Guardiola và chiêu thức hạ Real

Thứ Sáu, ngày 07/08/2020 - 10:59
3.7/5 của 3 đánh giá
Thắng 2-1 ngay tại đất TBN, Man City nắm nhiều lợi thế trong màn tái đấu Real ở vòng 1/8 diễn ra vào rạng sáng ngày 8/8. Với những gì đang có, thầy trò Pep Guardola hoàn toàn có thể dùng bài ở lượt đi để hạ gục Kền kền trắng.

Chiến thắng 2-1 trước Real ngay tại thánh địa Santiago Bernabeu là lợi thế giúp Man City tự tin trước cuộc tái đấu đối thủ này trên sân nhà. Vẫn biết rằng, đội bóng hoàng gia TBN là CLB có thừa bản lĩnh ở đấu trường châu lục, nhưng với kinh nghiệm trận mạc của mình, Pep Guardiola hoàn toàn có thể khiến đối thủ sớm rời khỏi cuộc chơi.

Chứng kiến những gì diễn ra tại lượt đi thì mới đây, vị chiến lược gia người TBN đã cao tay thế nào để giúp Man City vượt qua đối thủ. Trong màn so tài vào 27/2/2020, Man City có phần bị đánh giá thấp hơn khi phải làm khách trên đất TBN. Tuy nhiên, với chiến thuật hợp lý, The Citizens – dù bị vươn lên dẫn trước song vẫn là người giành chiến thắng sau cùng.

Ở màn đối đầu đó, nếu như Real ra sân với đội hình giàu sức tấn công khi chơi 4-3-3 thì Guardiola tạo ra sơ đồ chiến thuật 4-4-1-1 cho đội bóng của mình. Bất ngờ nhất trong chiến thuật đó là việc ông xếp Bernardo Silva – người vốn quen thuộc ở vị trí tiền vệ cánh lên đá cắm và bắt Gabriel Jesus làm nhiệm vụ ngược lại so với cầu thủ người BĐN (Từ đá cắm về đá cánh).

Pep thực sự cao tay ở trận lượt đi 

Trong cuộc đối đầu đó, Man City cũng cất luôn Sterling – cầu thủ được nhận định sẽ tạo ra đột biến trên băng ghế dự bị. Cách xếp đội hình có phần lạ lẫm ấy hóa ra lại đem lại hiệu quả cho đội bóng thành Manchester.

Họ không chỉ hóa giải các đợt tấn công từ phía đội chủ nhà mà còn linh hoạt trong các tình huống đe đọa khung thành đối phương. Đáng chú ý, bàn thắng mà Isco ngày hôm ấy ghi được cho Real cũng tới từ cơ hội ghi bàn duy nhất Kền kền trắng có được. Vậy mới thấy, cự li đội hình của Man City đã thi đấu ổn định ra sao, dù cho họ sớm mất trung vệ trụ cột Aymeric Laporte từ phút 33 vì chấn thương.

Trên lý thuyết, với sơ đồ 4-4-1-1, Man City chỉ có 2 tiền vệ trung tâm (Rodri và Gundogan) so với 3 của Real (Casemiro, Valverde và Modric). Vì thế, việc họ bị áp đảo tuyến giữa là điều không quá bất ngờ, nhất là khi so sánh với Casemiro hay Valverde, Gundogan chắc chắn không có thể lực bằng.

Đội hình ra sân của 2 CLB trong trận lượt đi 

Tuy nhiên, trên thực tế, chính Man City mới là đội bóng làm chủ khu vực trung tuyến. Lý do là bởi, từ lối chơi 4-4-1-1 ban đầu, cả Bernardo Silva – người chơi cao nhất trên hàng công và Kevin De Bruyne – hộ công đều lui về sâu hơn rất nhiều so với vị trí cần thi đấu của mình để hỗ trợ tuyến dưới. Việc bộ đôi này lùi sâu cộng thêm 2 cánh được Jesus và Mahrez đảm bảo khoảng cách cần thiết với Gundogan và Rodri giúp Man City duy trì cự ly đội hình cực kỳ hợp lý bên phần sân nhà.

Với cách chơi như vậy, đội hình Man City là 4-4-2 chứ không phải 4-4-1-1 như sắp xếp khi De Bruyne và Bernardo Silva gần như đứng ngang hàng ở phần sân đối phương trong khi tất cả đều ở bên sân nhà.

Họ để cho các trung vệ Real thoải mái phối hợp nhưng bóng rất khó để triển khai lên trên hoặc nếu có ngay lập tức bị áp sát và nhanh chóng mất bóng. Thống kê chỉ ra, số đường chuyền trung bình mà Kền kền trắng thực hiện trước khi Man City hành động phòng ngự – thứ mà chúng ta vẫn hay gọi là chỉ số PPDA (opposition passes allowed per defensive action) chỉ là 15.3, con số rất thấp.

Nhưng từ 4-4-1-1, Man City đã biến thể lối chơi thành 4-4-2 để ngăn cản Real triển khai bóng 

Minh chứng rõ ràng cho điều đó là Real Madrid chỉ thực hiện được 33 đường chuyền chính xác ở 1/3 sân trong khi con số ấy của họ trung bình là 52.5. Nói không ngoa, lối chơi áp sát, rình rập của Man City gần như không cho Kền kền trắng chơi bóng.

Để làm được điều đó, ngoài việc tạo ra một chiến thuật hợp lý, Man City cũng sẵn sàng chơi rắn với đối thủ khi mất bóng hoặc không có bóng. Nhưng họ cũng rất biết cách đe dọa khung thành đối phương với những tình huống phản công chớp nhoáng. Về điều này, Guardiola chọn Jesus đá cánh là hoàn toàn có lý do.

Ông biết rằng, Carvajal luôn dâng cao để hỗ trợ hàng tấn công và vì thế sẽ để lộ những khoảng trống bên cánh phải của cầu thủ này. Vị chiến lược gia người TBN bố trí Bernardo Silva và De Bruyne – những cầu thủ có xu hướng di chuyển rộng đá cắm để lôi kéo Varane cùng Ramos theo kèm trước khi Jesus tận dụng sơ hở Carvajal tạo ra để đột phá.   

Họ cũng tận dụng tốt khoảng trống phía sau Carvajal để đe dọa khung thành đối phương 

Pha bóng ở phút 21 màn so tài ấy là một ví dụ. De Bruyne lôi kéo Casemiro trong khi Bernardo Silva dạt cánh khiến Ramos buộc phải theo kèm. Carvajal dâng cao và chỉ cần có thể, De Bruyne thực hiện đường chọc khe, tạo điều kiện cho Jesus băng xuống đối mặt Courtois.

Sang hiệp 2, Pep tung Sterling – người giàu tốc độ và cả kĩ thuật vào sân. Khi ấy, Jesus trở lại vị trí trung phong. Với một cầu thủ như Sterling, Carvajal không dám dâng cao vì khoảng trống bỏ lại là rất nguy hiểm. Ở cánh đối diện, Mahrez cũng khiến Mendy phải làm điều tương tự. Real vì thế gần như không có sự hỗ trợ khi tấn công.

Vai trò của Sterling cũng là rất rõ ràng. Trong bàn thắng đầu tiên, anh kéo Varane và Casemiro theo kèm, tạo khoảng trống để De Bruyne xâm nhập vòng cấm trước khi chuyền bóng cho Jesus gỡ hòa. Trong tình huống thứ 2, chính cầu thủ này với tốc độ của mình khiến Carvajal phạm lỗi trong vòng cấm địa.

 Phân tích như vậy để thấy rằng, Man City hoàn toàn có thể áp dụng chiêu thức tương tự để đánh bại Real trong cuộc so tài vào rạng sáng mai (8/8). Lợi thế đang có giúp cho họ không cần quá vội vàng để tấn công đồng thời chờ sơ hở từ đối thủ và khai thác, qua đó giành vé đi tiếp.

Dương Anh

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT

Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Thêm tin tức
Bạn muốn tắt quảng cáo?