Việt Nam – Nhật Bản: Chúng ta có thể làm được

Thứ Năm, ngày 24/01/2019 - 09:12
5 /5 của 1 đánh giá

Nếu là mươi năm trước, việc được gặp Nhật Bản thôi cũng đã là một vinh dự với các cầu thủ Việt Nam thì giờ đây đối thủ này không còn xa lạ gì nữa. Ngay cả chiến thắng cũng không phải là điều quá xa xỉ nếu nhìn vào thực tế những gì các cầu thủ của chúng ta đã làm được.

Tham khảo thêm:

Trong hơn một năm qua, các đội tuyển của thầy Park chỉ chịu thua hai trận tâm phục khẩu phục. Đó là thất bại trước Olympic Hàn Quốc tại bán kết Asiad và trận đấu vòng bảng với Iran vừa qua. Tại sao?

Trong năm 2018, Olympic Việt Nam đã thua tâm phục khẩu phục trước Olympic Hàn Quốc

Tôi khá ngỡ ngàng khi xem lại trận đấu Iran đá với Oman ở vòng 1/16 và trận Hàn Quốc vượt qua Philippines ở vòng bảng của giải đấu này. Với sức mạnh vượt trội, nhờ thể lực, tốc độ và kỹ thuật hai ông lớn của bóng đá Châu Á có thể đẩy tốc độ trận đấu lên mức rất cao. Họ chơi bóng với tần suất như bất kỳ một đội bóng Châu Âu nào. Thực sự, nhìn Song Heung Min và các đồng đội chơi bóng, chúng ta phải thừa nhận đẳng cấp rất cao của những cầu thủ này.

Chơi bóng ở tốc độ cao không bao giờ là chuyện dễ, nó đòi hỏi kỹ thuật, tốc độ và sự chính xác hoàn hảo cùng với cả những toan tính chiến thuật hợp lý. Ai cũng thấy thú vị với lối đá của Liverpool hay Dortmund, nhưng không phải ai cũng chơi bóng được như họ. Và đó chính là lối đá khiến cho chúng ta cảm thấy sợ hãi nhất.

Thực tế phải thừa nhận, về mặt thể chất, cầu thủ của chúng ta chưa thể đạt tới tầm của các cầu thủ hàng đầu Châu lục. Chúng ta thấp bé, mỏng người cả thể lực tốc độ lẫn sức mạnh đều đuối hơn. Sức bền có thể được duy trì nhưng cũng phải biết phân phối hợp lý. Thực tế, các đội tuyển của chúng ta dưới thời thầy Park chưa bao giờ hướng đến lối đá tốc độ cao. Sự tăng tốc nếu có chỉ đến với từng nhóm nhỏ khi các cầu thủ nhỏ con khéo léo của chúng ta luồn lách qua hàng thủ đội bạn và tìm thấy cơ hội sau những pha đập nhả được tổ chức rất tốt chứ nhịp độ chơi bóng nói chung của đội tuyển là chậm. Chúng ta thường cố cầm chắc bóng và tổ chức tấn công hay kể cả khi phản công cũng phải có đủ người. Việc dàn trải nhân sự với cự ly đội hình hợp lý giúp các cầu thủ hỗ trợ được nhau trong nhiều tình huống hạn chế tối đa sự thua sút trong những pha tranh chấp tay đôi. Chúng ta không chơi nhanh, không bị cuốn vào lối chơi của đối thủ nhưng có thể tăng tốc trong đoạn ngắn để khoan phá những hàng thủ của đối phương. Đó là nhờ khả năng tổ chức tốt của ông thầy người Hàn Quốc và các HLV nội nhất định phải học được cách làm này vì nó phù hợp với thể chất người Việt.

Điểm mạnh thứ hai là sự tự tin vượt trội của các cầu thủ. Trước đây gặp đội mạnh là cầu thủ của ta dễ bị “cóng”, đặc biệt khi thua trước. Nhưng giờ không chỉ bình tĩnh triển khai và tận dụng kỹ thuật trước mọi đối thủ, chúng ta cũng không còn có khái niệm vỡ trận nữa. Thậm chí, chúng ta còn từ tốn rình rập đợi thời cơ. Ngay trước Hàn Quốc và Iran, có những thời khắc dù đã bị dẫn trước chúng ta cũng tổ chức lại được lối chơi khá tốt và suýt làm nên chuyện. Đây chính là bộ mặt của đội tuyển dưới thời thầy Park. Gia tăng tính kết nối, chơi với số đông, đoàn kết, thủ vững, khôn khéo, bình tĩnh nhẫn nại đợi thời cơ.

ĐT Việt Nam đang có sự tự tin cùng những cầu thủ có kỹ thuật tốt

Dĩ nhiên, lối đá đó sẽ chỉ phát huy tốt nếu đối thủ hoặc là bế tắc hoặc là tiếp tay cho chúng ta. Jordan có thể nói là đã tiếp tay cho các học trò của thầy Park khi chủ động đá thủ và cũng rình rập chờ cơ hội. Khi đó những Quang Hải, Văn Đức với sự khéo léo của mình đã tìm ra những khoảng trống và vỗ mặt đội bạn nhiều phen. Một đối thủ cũng thích chơi chậm, sẽ rất thích hợp cho các học trò của ông Park từ tốn tìm ra yếu điểm. Thú vị là, Nhật Bản có vẻ cũng là một đối thủ như thế.

Phải khẳng định Nhật Bản ở đẳng cấp cao hơn Jordan. Chiến thắng sát nút trước Saudi Arabia là do đối thủ của họ cũng rất đáng gờm. Nhưng cách tiếp cận trận đấu của Nhật Bản luôn khá thận trọng. Nó khiến ta liên tưởng đến một Atletico Madrid của Simeone hơn là một Liverpool hừng hực khí thế của Klopp. Việc thận trọng tiếp cận trận đấu như vậy sẽ tạo điều kiện cho các học trò của thầy Park làm quen dần với lối chơi của đội bạn và có thể đáp trả dần.

Cả Iran và Hàn Quốc đều đã đàn áp chúng ta ngay từ những phút đầu và có bàn thắng sớm nếu không, chưa biết chuyện gì đã có thể xảy ra. Các học trò của ông Park luôn chơi khá bình tĩnh và chờ thời cơ, đây là tư tưởng đã được quán triệt rất rõ ràng và được các cầu thủ đồng thời tiến hành. Khi đội bạn có phần chủ quan chơi chậm lại thì ta sẽ tăng tốc để tìm cơ hội. Những tình huống phối hợp tốt ở đầu hiệp hai với Iran cho thấy những bài phối hợp đã được chuẩn bị khá kỹ.

Nhật Bản không quá đang sợ như chúng ta nghĩ

Nhật Bản mạnh nhưng không quá đáng sợ. Ở trận gặp Saudi Arabia họ còn lộ ra điểm yếu lớn khi cặp tiền đạo rất thiếu tính kết nối khiến cho không tạo lại được áp lực đáng kể nào lên đối thủ. Đây có lẽ chính là lý do khiến cho HLV Nhật Bản luôn chọn lối đá phòng ngự phản công cho các cầu thủ của mình. Nếu đội bạn là một tập hợp của những ngôi sao Châu Á thì chúng là một tập thể gắn bó và đoàn kết. Bóng đá, nói cho cùng vẫn là môn thể thao tập thể, đây là điểm mạnh của chúng ta. Và dĩ nhiên không có đội bóng nào là bất khả chiến bại, nếu Hàn Quốc có thể thắng được người Đức trong trận chiến sống còn thì chúng ta cũng có thể làm được.

Long Win

Bình luận bài viết