V-League 2020: Đúng là không thể hủy giải
Trong một tuyên bố mới nhất, ban tổ chức V-League đã nói không thể hủy giải đấu. Một tuyên bố rất dễ bị đáng giá là vô trách nhiệm trong bối cảnh Covid đang lan rộng, nhưng dĩ nhiên, VPF có lý của mình.
Người đưa ra tuyên bố đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Bóng đá Việt Nam (VPF), nhà điều hành, tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, ông Trần Anh Tú. Ông Tú phát biểu rất rõ ràng:
“Trong khi diễn biến dịch bệnh diễn ra phức tạp, ai ai cũng ái ngại thì phương án hoãn giải đấu là hợp lý. Còn về ý kiến cụ thể là bỏ LS V-League 2020 thì VPF không bao giờ tính đến. Đơn giản vì nếu thế, nó ảnh hưởng đến cả đội tuyển quốc gia, đời sống cầu thủ và rất nhiều thứ liên quan khác như lợi ích nhà tài trợ. Các hợp đồng khác mà VPF ký với đối tác và cả CLB ký với cầu thủ, đối tác nữa…”
Cái khó của VPF
Trong tuyên bố này, chúng ta thấy nhà tổ chức giải đấu nói khá nhiều đến những bản hợp đồng, những lợi ích. Đây là điều rõ ràng. VPF là một doanh nghiệp, họ có bài toán kinh tế cần phải tính toán. Nếu bỏ mùa giải V-League 2020, doanh nghiệp VPF sẽ được nghỉ sản xuất một năm.
Nhìn ra bên ngoài những ngày này, mới chỉ gần hai tháng mà các doanh nghiệp sản xuất đã khốn đốn như thế nào rồi thì mới thấy VPF cũng đang đứng trước nghịch cảnh không hề nhỏ. Ngay cả UEFA, một nhà tổ chức giải đấu siêu lớn của thế giới với những giải đấu có nguồn thu lớn nhất thế giới như Champions League hay EURO cũng còn không dám hủy giải thì bảo sao VPF phải sống chết giữ giải này. Bóng đá Việt Nam đã và đang đi trên con đường chuyên nghiệp, nếu không chấp nhận những sự thật phũ phàng đó, thì chả lẽ chúng ta lại quay lại thời bao cấp với bao khốn khó bất cập nữa sao. Hãy để VPF quyết định, dựa trên những tính toán của họ. Họ sẽ phải bảo vệ mình và tất cả những người liên quan trực tiếp nữa.
>>> Xem thêm: Chuyên mục
Những người liên quan trực tiếp tới ở đây chính là các cầu thủ, huấn luyện viên, những nhà quản lý bóng đá và nhà tài trợ,... Nếu V-League tổ chức tiếp lúc này, sẽ có rất nhiều vấn đề mà VPF phải tính đến, phải chuẩn bị, phải đề phòng. Nhưng nếu V-League ngừng lại hoàn toàn, tất cả những thành phần trên sẽ thiệt hại. Các cầu thủ, huấn luyện viên, người lao động sẽ không có thu nhập. Sau 1 năm nữa, liệu có bao nhiêu người bỏ bóng đá mà đi? Những nhà tài trợ cũng sẽ rút tài trợ vì họ thấy bóng đá không đủ an toàn, liệu sau này họ còn sẵn sàng chọn bóng đá làm kênh đầu tư nữa không? Và khi V-League ngừng lại, cả guồng quay của bóng đá nước nhà cũng sẽ dừng. Các ĐTQG sẽ bị ảnh hưởng, chất lượng bóng đá Việt Nam sẽ đi xuống, những niềm vui tại Thường Châu hay Mỹ Đình sẽ cần bao lâu nữa để quay lại?
Đúng là không thể hủy giải
Trong tuyên bố của ông Tú, ngoài những yếu tố tài chính được nhấn mạnh và sẽ phải hứng chịu chỉ trích trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19 thì chúng ta cũng phải thừa nhận còn những yếu tố khác khiến cho V-League phải diễn ra khi mọi thứ đã sẵn sàng. Bóng đá, không chỉ là một ngành kinh doanh của các ông chủ, một công việc của những người tham gia, nó còn là môn thể thao được yêu mến nhất tại đất nước này. Không có hoạt động nào có thể thu hút người dân Việt Nam nhiều hơn bóng đá, thông qua những trận bóng, chúng ta thấy tinh thần yêu nước, tình đoàn kết, lòng tự hào dân tộc và một khát vọng vươn lên không ngừng. Nó là sức mạnh, là động lực, là niềm an ủi cho chúng ta mỗi ngày. Ai đã từng đi qua tuyết trắng Thường Châu, ai đã từng hò reo đến khản họng trên khán đài Mỹ Đình sẽ hiểu, chúng ta cần bóng đá diễn ra như thế nào.
Và nếu có một lý do gì đó để những sân cỏ cả nước sớm được khởi động lại trong những ngày này thì hãy nhớ, một môn thể thao sẽ đem lại sức khỏe, tinh thần lạc quan, thứ vũ khí tốt nhất giúp chúng ta chống lại con virus đáng ghét kia.
Long Win
Bình luận bài viết