Bạn muốn tắt quảng cáo?

Liệu cầu thủ Việt Nam có thể thành công ở nước ngoài?

Thứ Sáu, ngày 08/02/2019 - 09:32
5/5 của 1 đánh giá

Đặng Văn Lâm đã chính thức ra mắt CLB Muangthong United của Thai League trong những ngày đầu năm mới Đinh Hợi này. Sau Văn Lâm, những Quang Hải, Văn Hậu và cả Công Phượng đều rục rịch có những bước đi tiếp theo. Một năm mới hứa hẹn những cuộc ra biển lớn của các cầu thủ Việt, nhưng câu hỏi vẫn còn ám ảnh nhiều người lúc này là: Liệu cầu thủ Việt Nam có thể thành công ở nước ngoài?

Tham khảo thêm:

Văn Lâm không phải là cầu thủ Việt đầu tiên ra nước ngoài thi đấu. Trước Lâm, những cái tên nổi bật một thời như Huỳnh Đức, Công Vinh đều có những chuyến xuất ngoại. Nhưng quả thực, đó chỉ là những cuộc giao lưu học hỏi của cầu thủ chúng ta chứ không phải là những cuộc chinh phục đúng nghĩa. Ai cũng biết Huỳnh Đức đến Trung Quốc theo bản hợp đồng quảng cáo cho Lifan Đại Liên, anh không ra sân nhiều và cũng không để lại dấu ấn gì nhiều. Chuyện Công Vinh đi Nhật hay Bồ Đào Nha thì ly kỳ hơn.

Chuyến đi Châu Âu thực chất cũng chỉ đến từ mối quan hệ làm ăn hợp tác giữa ông chủ CLB của Vinh khi đó là Hà Nội T&T với đối tác bóng đá của họ ở Bồ. Dù cũng được ra sân nhiều và ghi chút dấu ấn nhưng đó vẫn giống như là một chuyến tập huấn hơn. Lần sang Nhật đầu quân cho đội bóng Saporo thì khác. Đây có lẽ là bản hợp đồng đầu tiên mà một cầu thủ Việt được ký với CLB nước ngoài. Dù chỉ là đội bóng hạng Nhì, nhưng với nửa mùa giải cống hiến Vinh đã đóng góp những bàn thắng quan trọng và suýt đưa CLB này lên hạng.

Công Vinh từng có khoảng thời gian đáng nhớ tại Nhật Bản

Sau khi Vinh về nước, hai người đàn em khi đó là Xuân Trường và Công Phượng đã tiếp bước. Với Xuân Trường thì còn có chút thu hoạch chứ Công Phượng thì đúng là mòn đít quần trên ghế dự bị. Hình ảnh Phượng đi phát tờ rơi quảng cáo cho trận đấu của CLB vẫn còn ám ảnh nhiều người yêu bóng đá Việt. Cùng với những chuyến xuất ngoại của Lương Trung Tuấn hay Việt Thắng, số lần xuất ngoại của cầu thủ Việt cũng đã là khá nhiều, có điều là thành công thì không đáng chú ý lắm. Phần lớn chỉ là những chuyến đi ngắn và có tính chất giao lưu học hỏi.

Vì vậy, chỉ đến khi Đặng Văn Lâm được đội bóng Thái bỏ ra một số tiền lớn để đưa về thì mới là lần đầu tiên giá trị của một cầu thủ Việt được thực sự định giá trên đấu trường thế giới. Anh gần như sẽ ngay lập tức có một vị trí chính thức trong đội hình của đội bóng Thai League và hứa hẹn sẽ thu được nhiều thành tích vì đây là một trong những CLB mạnh nhất Thái Lan.

Về tài năng thì những cái tên như Quang Hải hay Văn Hậu thực sự đã đạt đến một đẳng cấp rất cao so với khu vực. Việc những cầu thủ này ra nước ngoài thi đấu chắc chắn sẽ đến bởi V League có vẻ đã quá chật chội cho họ phô diễn. Nhưng Quang Hải mới 21 tuổi và có lẽ em cần thêm những trải ngiệm trong môi trường bóng đá Việt Nam để trau dồi cũng như hoàn thiện các kỹ năng của mình trước khi đủ trưởng thành để ra đi.

Xuân Trường liên tục phải ngồi dự bị trong khoảng thời gian đi “du học”

Bởi cơ hội được ra sân thi đấu khi xuất ngoại không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ chuyên môn mà còn ở khả năng thích nghi hòa nhập với môi trường mới và quan trọng là ngoại ngữ. Khi ra nước ngoài thi đấu, không chỉ là xa gia đình, áp lực của người hâm mộ dành cho những cầu thủ xuất ngoại cũng sẽ lớn hơn nhiều. Môi trường mới, thách thức mới lại hoàn toàn xa lạ sẽ gây ra rất nhiều khó khăn bên ngoài sân cỏ. Từ ăn uống, tập quán sinh hoạt đều sẽ bị thay đổi nhiều mà các cầu thủ trẻ không dễ dàng thích nghi ngay được.

Trường hợp của Xuân Trường và Công Phượng là bài học cho Quang Hải hay Văn Hậu về thất bại khi bị “ép chín” như thế. Lạc lõng nơi xứ người dù đã từng được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp thì các cầu thủ trẻ của chúng ta vẫn không thể tìm được chỗ đứng và trở về trong im lặng. Vấn đề không phải là ở chỗ họ không đủ tài năng mà là họ thực sự đã đơn độc nơi đất khách quê người. Ở chiều ngược lại thì câu chuyện của thần đồng bóng đá Thái Lan Chanathip Songkrasin (Thái Lan) lại là gợi ý để các cầu thủ của chúng ta lựa chọn thời điểm xuất ngoại thích hợp.

Chanathip đang thi đấu thành công tại Sapporo

Chanathip Songkrasin là một trong những ngôi sao được săn đón nhiều nhất của bóng đá Đông Nam Á nhiều năm qua, thậm chí cầu thủ này từng được hai đội bóng tên tuổi Gamba Osaka (Nhật Bản) và Hamburg SV (Đức) quan tâm. Dẫu vậy, Chanathip không vội vàng xuất ngoại mà lựa chọn ở lại trong nước thi đấu cho lần lượt BEC Tero Sasana FC và Muangthong United.

Trong đó, màn trình diễn ấn tượng cùng Muangthong United ở AFC Champions League giúp Chanathip được Consadole Sapporo (Nhật Bản) quan tâm và lúc này ở tuổi 24, tiền vệ này mới xuất ngoại. Đi cùng với anh còn có những chuyên gia thể lực, dinh dưỡng riêng và có cả mẹ sang trong thời gian đầu để giúp tổ chức lại cuộc sống ở Nhật Bản. Sự chuẩn bị chu đáo đã giúp Chanathip hòa nhập và thể hiện được tài năng của mình. Hiện cầu thủ này là một trong những cái tên gây chú ý nhất của J League.

Quang Hải hay Văn Hậu cũng đang ở những đẳng cấp tương đương với Chanathip vài năm trước nhưng nếu ngay lúc này đẩy họ ra biển lớn thì có vẻ như quá mạo hiểm. Những khó khăn ngoài sân cỏ sẽ là thách thức lớn với những chàng trai trẻ. Môi trường bóng đá Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp sẽ khác xa với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Âu Châu. Đừng quên, Văn Lâm cũng vốn là một cầu thủ được đào tạo và trưởng thành từ Châu Âu như thế. Vì thế, nếu bất cứ một cầu thủ Việt naò có ý định xuất ngoại, hãy chuẩn bị thật kỹ, chỉ như thế họ mới có thể thành công được.

Long Win

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT

Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Thêm tin tức
Bạn muốn tắt quảng cáo?