Bạn muốn tắt quảng cáo?

Những cái bẫy của Park Hang Seo

Thứ Hai, ngày 10/12/2018 - 08:19
5/5 của 1 đánh giá

Hành trình đi tới trận chung kết của tuyển Việt Nam năm 2018 là một hành trình tuyệt vời. Chúng ta đứng đầu bảng đấu vòng loại. thắng đối thủ một cách thuyết phục ở hai trận bán kết, đó là một kết quả rất ấn tượng khẳng định sức mạnh của đội tuyển. Và dấu ấn của ông Park Hang Seo trong chiến tích đó cũng thật sự rất rõ ràng.

>> Tham khảo thêm:

Một điều dễ thấy là ông Park Hang Seo phân định rất rõ các đối thủ của mình. Lào và Campuchia là những đội bóng dưới tầm, chúng ta sẽ đá áp đảo để dành chiến thắng sớm nhất có thể. Làm sao đỡ tốn sức mà lại thử nghiệm được nhiều luôn là ưu tiên hàng đầu. Đá với Lào, chúng ta cầm bóng để đội bạn không chơi được bóng. Đá với Cam, chúng ta mang nhiều nhất những cái tên dự bị ra sân để thử những phương án mới. Hai chiến thắng 3-0 là vừa đủ để thể hiện sức mạnh cũng như không đẩy sự tự mãn của các cầu thủ đi quá xa.

Nhưng với những đối thủ ngang tầm, ông Park lại rất biết giấu mình. Trận đá với Malaysia ở vòng bảng, khi hết trận, các cầu thủ Malaysia vẫn không hiểu vì sao mình thua. Chúng ta mời họ tấn công và giăng ra một cái bẫy để kết liễu đối thủ. Ông Park đã nhìn ra những điểm yếu trong lối đá của Malaysia, họ mạnh trong pressing, khao khát cầm bóng và tấn công trên khắp mặt sân, nhưng chống phản công kém. Chúng ta đã như chiếc lò xo co mình lại để rồi bất chợt bung ra phản công chớp nhoáng.

HLV Park Hang Seo luôn phân tích đối thủ rất kĩ

Bàn thắng của Anh Đức là một pha bóng mẫu mực của việc triệt hạ đối phương nhanh gọn như vậy. Đình Trọng dâng cao áp sát, bóng được đưa cho Xuân Trường, Trường chuyền thẳng cho Văn Đức, Đức chọc khe cho người đàn anh cùng tên băng lên dứt điểm. 3 đường chuyền xuyên thẳng vào trung tâm hàng phòng ngự của đối phương khiến đối thủ không kịp trở tay ngay sau khi mất bóng. Một tình huống chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công hoàn hảo của các học trò ông Park Hang Seo.

Màn kịch này được lặp lại ở hai trận đấu gặp Philippines, biết trước đối thủ sẽ tìm cách áp đảo chúng ta bằng sức mạnh nhưng chúng ta lại trùng xuống để đợi thời. Hai trận bán kết là đỉnh cao của ông Park Hang Seo về việc tính toán thời điểm bùng nổ để kết liễu đối thủ. Nhường cho đối phương thế trận, và đợi tới lúc đối phương thấm mệt thì thay những quân bài khác vào để kết liễu. Ở lượt đi Công Phượng và Đức Chinh làm không tốt ở khâu dứt điểm nếu không chúng ta có khi đã chả cần đá lượt về nữa rồi.

Trước khi đưa ra các đấu sách phù hợp cho các cầu thủ

Nhưng ở lượt về, khi đối thủ cũng chơi hay hơn rất nhiều thì chúng ta vẫn bình tĩnh đợi thời cơ. Bàn thắng của Quang Hải và Công Phượng đến từ những tình huống khi các cầu thủ Philippines thực sự không theo kịp chúng ta nữa. Đúng như ông Park Hang Seo đã tính toán, sau phút 65, đội bạn sẽ không còn giữ được mình.

Dĩ nhiên không phải lúc nào tính toán của ông Park cũng là hoàn hảo. Trận đá với Malaysia ở vòng bảng, chúng ta cũng bị ngợp với khả năng pressing của đội bạn trong khoảng 10 phút đầu. Ông Park sau đó đã phải yêu cầu các cầu thủ cầm bóng để giữ nhịp lại ngay. Hay như khi thấy Myanmar yếu hơn chúng ta hình dung thì mới chuyển đổi sang đội hình hòng lấy điểm ngay trên sân khách nhưng vẫn không đạt được mục đích. Tuy nhiên phải nói phần lớn kế hoạch của ông Park Hang Seo đều đã diễn ra rất trôi chảy.

Giúp cho ĐT Việt Nam thăng hoa qua từng trận đấu

Việc lựa chọn việc đá nhún nhường trước các đối thủ mạnh là hợp lý với thể chất của cầu thủ Việt và những tính toán đường dài. Trước đây, chúng ta vẫn có phần ngây thơ khi căng ra mà đá với các đối thủ. Đặc biệt cứ về sân nhà là đá kiểu chết bỏ cho vừa lòng người hâm mộ rồi dính đòn hồi mã thương. Cái dớp sân Mỹ Đình không phải tự nhiên mà có là vì vậy. Nhưng ông Park Hang Seo biết mình biết người hơn. Ông chọn cách thu mình lại và bình tĩnh đợi thời. Tất nhiên, muốn đá được như thế chúng ta phải có đủ nguồn lực.

Đầu tiên là hàng thủ. Cho đến lúc này có thể khẳng định hàng thủ của chúng ta là tốt nhất Đông Nam Á thời điểm hiện tại. Bộ ba trung vệ chơi quyết liệt, thông minh và bọc lót ăn ý. Ngoại trừ bàn thua trên sân Philippines ở lượt đi bán kết thì hàng thủ không để lại ấn tượng xấu nào. Với một hàng thủ như thế, chúng ta mới tự tin chủ trương đá trắc trước các đối thủ được.

Mỗi thời điểm lại là chiến thuật khác nhau

Ngoài ra, để có thể kết liễu đối thủ, chúng ta cũng phải có những phương án đủ tốt trên hàng công. Nói là nhún mình lại đá để giăng bẫy đối thủ nhưng đây là nhún mình chủ động chứ không phải là chúng ta không thể cầm bóng triển khai. Hai tình huống giải tỏa áp lực điển hình của tuyến trên cho đến thời điểm này đều rất ấn tượng. Bàn thắng ở phút thứ 11 của Công Phượng có thể là một tình huống tiếp bóng may mắn từ cú đá hụt của Anh Đức. Nhưng nếu xem lại 1 phút trước bàn thắng đó chúng ta sẽ thấy một pha tổ chức hoàn hảo. Quang Hải chủ động cầm bóng, anh lùi lại ban bật với các đồng đội từ bên cánh phải sang cánh trái. Xuân Trường nhận bóng và chọc khe cho Văn Hậu chạy xuống, căng ngang cho Anh Đức.

Để bóng đến được chân Anh Đức, chúng ta đã liên tiếp thực hiện 11 đường chuyền qua chân 9 cầu thủ khác nhau ở phạm vi trung bình. Một tình huống cầm bóng và tổ chức hoàn hảo. Và nó không phải chỉ một lần duy nhất. Hãy nhớ lại cú ngả bàn đèn của Quang Hải trong trận đấu vừa qua trên sân Mỹ Đình. Lại một lần nữa bóng được chuyền qua lại trên khắp mặt sân trước khi Văn Đức và Văn Hậu chồng biên ở bên cánh trái. Hậu thả quả bóng vào khu vực mà cả Quang Hải lẫn Anh Đức đều có cơ hội tiếp bóng cao. Hải ngả người sút, bóng dù không vào lưới nhưng đó là một pha bóng khiến cho đối phương phải thấy sợ hãi.

Vài phút sau, tình huống căng ngang của Hậu cho Anh Đức cũng có nguồn gốc từ những pha đan bóng như vậy. Không có gì là ngẫu nhiên cả. Những tình huống cụ thể cho thấy chúng ta đủ sức cầm bóng và triển khai những pha bóng mạch lạc. nhưng chỉ làm điều đó khi đối phương đang gây sức ép quá lớn và cần có phương án đáp trả. Còn lựa chọn hàng đầu của ông Park Hang Seo luôn là nhún mình lại để đợi thời.

Đó là những cái bẫy của HLV Park Hang Seo

Ở hàng tiền đạo, Anh Đức là một cầu thủ bền bỉ nhiệt tình và có sức càn lướt. Văn Đức có tốc độ cùng những pha xử lý táo bạo. Quang Hải và Công Phượng đều có kỹ thuật qua người tốt. Chúng ta còn có một Văn Toàn rất nhanh và sắc sảo. Vậy tại sao lại không sẵn sàng chơi phản công ?

Những cái bẫy của ông Park Hang Seo đã được tính toán dựa trên những con người mà ông có sẵn. Nếu Xuân Trường lấy lại phong độ, chúng ta còn có thêm những đường chuyền sát thủ ở giữa sân nữa. Việc tính toán thời điểm để phản kích và đánh đúng yếu huyệt của đối thủ cũng là vô cùng quan trọng, ông Park đã và đang làm đúng theo kịch bản như thế. Sẽ không bất ngờ nếu tại Bukit Jalil chúng ta sẽ lại co mình phòng ngự để rồi kết liễu đối thủ bằng một pha phản công nhanh giàu tính tổ chức.

Và hãy nhớ những nhà vô địch gần đây nhất của bóng đá thế giới, tuyển Pháp ở World Cup vừa qua và cả Real của Zidane nữa. Đó đều là những đội bóng chơi chắc chắn ở tuyển dưới và chọn thời điểm để kết liễu đối thủ. Một lối đá có tính toán và giàu tính tổ chức. Đó chính là cái bẫy mà ông Park Hang Seo giăng ra cho các đối thủ của mình và đó cũng là lý do đội tuyển của chúng ta không còn là những anh chàng ngây thơ ở đấu trường khu vực nữa.

>> Xem thêm cập nhật

Long Win

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT

Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Bạn muốn tắt quảng cáo?
Thêm tin tức
Bạn muốn tắt quảng cáo?